CHÁNH PHÁP SẼ ĐẾN VỚI NHỮNG AI THỰC SỰ TÌM CẦU GIẢI THOÁT

CHÁNH PHÁP SẼ ĐẾN VỚI NHỮNG AI THỰC SỰ TÌM CẦU GIẢI THOÁT

Nhiều năm trước đây, khi mới bắt đầu tìm hiểu về Phật pháp thì các cuốn sách do GS. Nguyên Phong phóng tác như: Hành trình về phương Đông, Trở về từ cõi sáng, Minh triết trong đời sống, Bên rặng tuyết sơn, Ngọc sáng trong hoa sen, Hoa trôi trên sóng nước…là các cuốn sách gối đầu giường của tôi. Hồi đó, khi đọc các cuốn sách này, mặc dù tư tưởng của tôi cũng thay đổi khá nhiều theo hướng tích cực, nhưng trong tôi vẫn ôm một mối NGHI: GS. Nguyên Phong được giới thiệu là 1 dịch giả am hiểu Phật pháp, nếu các tư tưởng trong các cuốn sách này là tư tưởng của Đạo Phật thì sao Đạo Phật giống đạo Bà la môn quá vậy? Đành rằng vào thời Đức Phật thì đạo Bà la môn rất phát triển và Đức Phật có thể cũng sẽ tiếp thu các tư tưởng tiến bộ trong kinh Vệ Đà, tuy nhiên, sự khác biệt cốt lõi của Đạo phật so với Đạo Bà la môn là gì? Tôi không hề thấy sự khác biệt nào về tư tưởng trong các cuốn sách đó với đạo Bà la môn cả.

Mãi tận sau này, vào tháng 4/2021, do nhân duyên mà được tiếp cận với Chánh pháp, tiếp cận với chân nghĩa lời Phật dạy từ một bậc đại trí – Thiền sư Nguyên Tuệ, tôi mới vỡ oà và hiểu được sự khác biệt căn bản của Đạo Phật với các tôn giáo khác. Sự khác biệt CỐT LÕI, CĂN BẢN ấy thực sự rất đắng, rất khó chấp nhận đối với đại đa số nhân loại. Bởi vậy, tôi muốn viết bài viết này để phân tích rõ hơn về các điểm khác biệt căn bản ấy, giúp gieo duyên thêm cho những người hữu duyên nhưng vẫn đang lưỡng lự, chưa nhất hướng đi theo con đường này.

1. Thực tại là cảm thọ, TÂM BIẾT TÂM chứ không phải TÂM BIẾT CẢNH

Trước đây, tôi từng nghe rất nhiều vị Thiền Sư nổi tiếng Việt Nam và thế giới giảng pháp, tất cả đều là TÂM BIẾT CẢNH, do đó, họ rơi vào Thường kiến hoặc Đoạn kiến khi giải thích về thế giới vật chất (đối tượng nhận thức). Chính bởi tư tưởng Thường kiến hoặc Đoạn kiến là mâu thuẫn với sự thật thực tại, nên người học mặc dù bị nhồi sọ bởi những tư tưởng ấy nhưng vẫn ràng buộc, vẫn tham ái đối tượng thực tại (mà họ cho là thế giới vật chất sắc – thanh – hương – vị – xúc – pháp), không thể giảm tần suất sinh khởi tâm hành tham/sân/si.

Sư Nguyên Tuệ là vị Sư đầu tiên khẳng định và giảng giải rõ ràng: Thực tại này là cảm thọ, là TÂM BIẾT TÂM. Chính bởi điểm khác biệt CỐT LÕI này mà sau khi quan sát sự thật, thân chứng được thực tại là cảm thọ, những tham muốn, ràng buộc, bám víu vào các cảm thọ ở tôi đã giảm đi rất nhiều. Chính bởi tuệ tri được đối tượng nhận thức là các cảm giác phát sinh nơi tế bào thần kinh tiếp xúc với thế giới vật chất ngoại cảnh, nên tần suất cũng như mức độ khởi lên tâm hành Tham – Sân – Si đã giảm đi rất nhiều.

2. Hiểu đúng về Lý duyên khởi và Vô thường, Vô ngã

Các vị Thiền sư nổi tiếng thế giới hiện nay đều giải thích Lý duyên khởi theo kiểu: Một nhân sinh ra một quả, có nhân phụ hoặc duyên trợ giúp. Chính vì hiểu biết như vậy nên không thể tuệ tri được vô thường, vô ngã; cho rằng vô thường là biến đổi từ dạng này sang dạng khác, bản chất là không sinh không diệt (quan điểm này chính là Thường kiến), cũng vì thế nên quan hệ giữa các pháp có chữ “CỦA”, là quan hệ chủ nhân, chủ sở hữu (có NGÃ).

Sư Nguyên Tuệ là vị Sư đầu tiên giảng giải rõ ràng: 2 nhân bình đẳng tương tác (DUYÊN) với nhau, cùng diệt mới phát sinh quả. Khi quan sát sự thật thấy đúng như vậy thì cũng đồng thời hiểu được về vô thường (các pháp sinh lên và diệt đi liên tục; trước khi sinh khởi thì không từ đâu đến, không thường hằng, thường trú ở đâu cả, sau khi diệt đi cũng không đi về đâu) và vô ngã (các pháp là độc lập, khi pháp này sinh lên thì pháp trước đó đã diệt rồi, nên quan hệ giữa các pháp không có chữ “CỦA”, không phải quan hệ chủ nhân chủ sở hữu).

Với hiểu biết đúng về lý duyên khởi như vậy, ta hiểu rằng QUẢ là vô thường, vô ngã, không ai có thể điều khiển, kiểm soát được kết quả ấy, do đó không còn ràng buộc vào kết quả nữa. Bởi không còn ràng buộc vào kết quả nên kết quả tốt không vui mừng, kết quả xấu không buồn chán, tâm bình thản trước mọi sự việc đang xảy đến với mình.

3. Hiểu đúng về cảm giác Pháp trần

Từ trước đến nay, chưa một ai giảng dạy về cảm giác pháp trần, mà hầu hết giới học Phật đều cho rằng cảm giác pháp trần là một cảnh giới, một cõi tâm linh siêu hình nào đó.

Sư Nguyên Tuệ là vị Sư đầu tiên giảng dạy rõ ràng về cảm giác pháp trần, theo đó, cảm giác pháp trần sinh khởi khi ý căn (tế bào thần kinh não bộ) tiếp xúc (duyên) với kho chứa thông tin pháp trần. Khi đã có hiểu biết đúng về cảm giác pháp trần như vậy thì dù cảm giác đó có kinh sợ, khủng khiếp thế nào đi nữa ta vẫn bình thản, bởi hiểu rõ nó chỉ giống như trong giấc mơ mà thôi, không hề tồn tại một thế giới vật chất nào đằng sau nó cả.

Đồng thời, Sư Nguyên Tuệ cũng chỉ rõ tầm quan trọng của việc thực hành quán cảm giác pháp trần. Mục đích tối hậu trong cuộc đời con người suy cho cùng cũng chỉ là chấm dứt luân hồi tái sinh. Để chấm dứt được tái sinh thì trong tiến trình chết, ở giai đoạn hấp hối, khi 5 căn đã ngừng hoạt động thì chỉ còn ý căn tiếp xúc với pháp. Khi ấy, chỉ có cảm giác pháp trần xuất hiện liên tục, nếu người tu thực hành thuần thục quán cảm giác pháp trần và tâm hoàn toàn bình thản, định tĩnh thì có thể nhập diệt, chấm dứt sanh y.

4. Hiểu đúng về Chánh niệm

Chánh niệm là một từ ngữ được sử dụng rộng rãi trong giới phật học, nhưng phần lớn đều hiểu sai, đều nhầm lẫn Chánh niệm với TÂM BIẾT Ý THỨC. “Chánh niệm về tham/sân/si để đoạn tận tham/sân/si” hay “Thực hành chánh niệm: Khi đi biết ta đang đi, khi ăn biết ta đang ăn….” là các cách thức thực hành được nhiều Thiền sư nổi tiếng thế giới đưa ra đều thể hiện rõ sự nhầm lẫn ấy.

– Khi tham/sân/si sinh khởi thì đó là lộ trình tâm Bát tà đạo, trên đó chỉ có Tà Niệm.

Với 1 người có văn tuệ, nếu lộ trình tâm sau có Chánh niệm sinh khởi thì lộ trình tâm đó là Bát chánh đạo, chánh tri kiến trên lộ trình tâm đó sẽ tuệ tri tham/sân/si ở lộ trình tâm trước là nguy hiểm, là nguyên nhân phát sinh khổ;

Với 1 người không có văn tuệ thì các lộ trình tâm tiếp theo vẫn là Bát tà đạo, mặc dù tâm biết ý thức thấy rõ đã có tham/sân/si nhưng do không tuệ tri về tham/sân/si nên tham/sân/si tiếp tục sinh khởi và tăng trưởng.

Bởi vậy, không thể nào có sự kiện “Chánh niệm về tham/sân/si để đoạn tận tham/sân/si”.

– “Thực hành chánh niệm: Khi đi biết ta đang đi, khi ăn biết ta đang ăn….” thực ra là sự tu tập tâm biết ý thức. Và trong sự thực hành này xuất hiện một cái TA là chủ nhân của hành động đi, ăn…nên đây là sự tu tập tâm biết ý thức tà tri kiến.

Sư Nguyên Tuệ cũng là vị Sư đầu tiên giảng dạy rõ ràng, rành mạch về Chánh niệm, về 4 khía cạnh của Chánh niệm: Sự thật về chánh niệm, sự tập khởi chánh niệm, sự đoạn diệt chánh niệm và con đường đoạn diệt chánh niệm. Theo đó, Chánh niệm là trí nhớ chánh, nhớ đến tích cực chú tâm quán sát thân nơi thân, thọ nơi thọ, tâm nơi tâm, pháp nơi pháp. Chánh niệm sinh khởi theo định luật duyên khởi, khi có sự tương tác giữa 2 loại thông tin: Thông tin về cảm thọ do Tưởng ghi nhận với thông tin MINH trong bộ nhớ. Sự đoạn diệt Chánh niệm là Vô dư niết bàn, và con đường đoạn diệt Chánh niệm là Bát chánh đạo, đưa đến Vô dư niết bàn.

Bởi hiểu rõ về Chánh niệm như vậy nên người học không còn tư tưởng có một cái TA đang giữ Chánh niệm, và sự tu tập nói cho cùng chỉ là sự luyện tập trí nhớ (bốn niệm xứ).

5. Mục đích tối hậu của sự tu học: TU LÀ ĐỂ CHẾT THẬT, để chấm dứt luân hồi tái sinh

Đây là sự thật rất khó chấp nhận với đại đa số nhân loại, khi mà chủ nghĩa hiện sinh, chủ trương sự sống là quý giá, là đáng trân trọng đang chiếm lĩnh tâm thức nhân loại. Bởi vậy, Thiền Sư nào chủ trương tu để thấy được sự nhiệm màu của cuộc sống hiện tại, thấy hạnh phúc trong trời xanh, mây trắng, gió hát, thông reo….thì sẽ được đa số nhân loại chấp nhận, bởi tư tưởng đó là phù hợp với thông tin trong kho chứa của đa số nhân loại. Bởi vậy, họ chủ trương tu để làm chủ nghiệp, làm chủ tâm, làm chủ sinh – già – bệnh – chết, tu để được vãn sinh về Niết bàn – nơi có phúc lạc toàn vẹn, pháp hỷ sung mãn.

Chủ trương ở trên là hoàn toàn trái với Pháp mà Đức thế tôn đã thuyết giảng, bởi vạn pháp là vô ngã, vô chủ vô sở hữu nên không pháp nào làm chủ được pháp nào. Vạn pháp là vô thường nên không thể tồn tại một thế giới tâm linh thường hằng, cực lạc.

Chỉ những ai thấy như thật SANH Y là khổ thì người đó mới lựa chọn con đường này, lựa chọn tu tập Bát Chánh Đạo để trở nên vô sanh y.

Ngoài các nội dung trên, Pháp mà Sư Nguyên Tuệ thuyết giảng còn chỉ rõ nhiều hiểu biết sai lầm cơ bản trong giới học Phật hiện nay như: hiểu lầm về tâm si, hiểu lầm về Chánh định, về Tu chỉ và Tu quán….

Chính bởi các sự thật này hoàn toàn đi ngược lại với nhận thức thế gian – nơi mà tham/sân/si chính là động lực để thế gian tồn tại và phát triển – nên Đạo Phật là đạo xuất thế gian chứ không phải đạo nhập thế như nhiều người chủ trương.

Ngoài ra, tôi nhận thấy có điểm chung giữa các Thiền sinh nhất hướng đi theo con đường mà Sư Nguyên Tuệ đã chỉ bày, đó là đều hiểu rõ tính chất Trung Đạo trong các bài pháp của Sư (không bị rơi vào hoặc Thường Kiến, hoặc Đoạn Kiến như phần lớn các Thiền Sư nổi tiếng hiện nay), bởi vậy, thấy rõ tính chất nhất quán và xuyên suốt, không hề mâu thuẫn ở điểm đầu, điểm cuối, điểm giữa trong các Bài giảng; và tất cả đều là ĐẾN ĐỂ MÀ THẤY, Thiền sinh thực hành đúng sẽ tự mình thân chứng, tự mình kiểm tra kiểm chứng được. Bởi vậy, càng thực hành, Thiền sinh càng phát triển niềm tin vững chắc vào con đường mình đang đi. Đồng thời, càng thực hành, Thiền sinh càng nhận thức rõ vị Thiền sư đang hướng dẫn mình cách thực hành ấy chỉ có thể là 1 bậc đại trí, 1 bậc thấu thị đã đi trọn vẹn con đường thì mới có thể chỉ bày lại một cách rõ ràng, rành mạch cách thức thân chứng tâm giải thoát, tuệ giải thoát, và cách thức chấm dứt LUÂN HỒI TÁI SINH như vậy.

Những ai tìm cầu giải thoát tối hậu, thấy như thật còn SANH Y, còn HIỆN HỮU là còn khổ, xác định KIẾP SỐNG NÀY LÀ KIẾP SỐNG CUỐI CÙNG thì những thông tin ấy là tương hợp với Pháp do vị thầy quá khứ (Đức Phật) và vị thầy hiện tại (Sư Nguyên Tuệ) thuyết giảng. Do thông tin tương hợp, những người ấy sẽ muốn học Pháp, lĩnh hội được Pháp và sẽ từng bước đi trên con đường giải thoát.

Thiền sinh: Phan Thủy Quyên

 

Để lại một bình luận