CHỨNG NGỘ TỨ THÁNH ĐẾ VỚI LẠC VÀ HỶ.


Trong các bộ kinh Nikaya có một đoạn kinh được nhắc đi nhắc lại :
“Vô thỉ, này các Tỷ-kheo, là sự luân chuyển, khởi điểm không thể nêu rõ, đối với (những đau khổ) do bị thương đâm, do bị kiếm chém, do bị búa chặt. Dầu vậy đi chăng nữa, này các Tỷ-kheo, Ta cũng không tuyên bố rằng NHỜ KHỔ VÀ ƯU mà Bốn Thánh Đế được chứng ngộ. Nhưng này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng NHỜ LẠC VÀ HỶ MÀ BỐN THÁNH ĐẾ ĐƯỢC CHỨNG NGỘ.”

(Tương Ưng Bộ – Samyutta Nikaya, Tập V – Thiên Ðại Phẩm, Chương XII – Tương Ưng Sự Thật (a), Phẩm rừng Simsapa, Kinh Một trăm cây thương, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt ).
Đoạn kinh trên là lời tuyên bố của Đức Phật, gồm có hai điều và điều thứ nhất, không thể chứng ngộ Tứ Thánh Đế với Khổ và Ưu là một SỰ THẬT. Cho dù một người đã kinh nghiệm khổ, đã trải qua trăm đắng ngàn cay, bị cắt chém, bị tra tấn đày đọa với vô vàn đau đớn, tủi nhục suốt trong vô lượng kiếp thì người đó cũng không thể chứng ngộ Tứ Thánh Đế. Trong kinh còn có một ví dụ với lập luận khác tương tự : Nếu chứng ngộ được Tứ Thánh Đế với Khổ Và Ưu thì đâu cần phải Văn – Tư – Tu mà chỉ cần sáng đánh 300 hèo, chiều đánh 300 hèo, tối đánh 300 hèo thì sẽ dư thừa khổ ưu để chứng ngộ Tứ Thánh Đế. Vì sao vậy ? Vì chứng ngộ Tứ Thánh Đế là chứng ngộ với Trí Tuệ chứ không phải chứng ngộ với sự chịu đựng Khổ Và Ưu. Nghĩa là chứng ngộ Khổ Đế và Tập Đế là HIỂU BIẾT ĐÚNG SỰ THẬT về Khổ và Nguyên nhân Khổ ( Trí Tuệ, Chánh Kiến ). Nhân loại, cho dù già trẻ gái trai, ngu trí, thánh phàm hễ có khổ thì ai ai cũng cảm nhận được khổ, cũng thấy đó là khổ, cũng biết đó là khổ, không cần ai chỉ dạy, không cần học hỏi ai. Nhưng nhân loại đều HIỂU BIẾT SAI SỰ THẬT về Khổ và Nguyên nhân Khổ ( Vô Minh, Tà Kiến )nên không thể chứng ngộ Khổ Đế và Tập Đế. Trong lịch sử nhân loại, có một người duy nhất, không thầy chỉ dạy, đã tự mình khám phá ra SỰ THẬT KHỔ và SỰ THẬT NGUYÊN NHÂN KHỔ, Ngài đã có được HIỂU BIẾT ĐÚNG SỰ THẬT KHỔ VÀ NGUYÊN NHÂN KHỔ. Đó là Đức Phật Thích ca mâu ni, nên Ngài đã chứng ngộ, đã giác ngộ Khổ Đế và Tập Đế. Ngoại trừ Đức Phật Chánh Đẳng Giác và Độc Giác ( tự mình giác ngộ, không thầy chỉ dạy ) còn lại những ai muốn chứng ngộ Khổ Đế và Tập Đế thì đều phải Nghe giảng, hoặc tự mình nghiên cứu lời dạy của Đức Phật Chánh Đẳng Giác và Tư duy về những điều đã được nghe để có được HIỂU BIẾT ĐÚNG SỰ THẬT về Khổ và Nguyên nhân Khổ ( Văn Tuệ và Tư Tuệ ) thì mới chứng ngộ Khổ Đế và Tập Đế. Vì vậy, không thể chỉ trải nghiệm khổ, chịu đựng khổ mà có thể chứng ngộ Khổ Đế và Tập Đế, tức không thể chứng ngộ với Khổ và Ưu.
Điều thứ hai Ngài tuyên bố là phải chứng ngộ Tứ Thánh Đế với Lạc và Hỷ. Nghĩa là thế nào ? Nghĩa là Nghe giảng và Tư duy về những điều đã nghe giảng để có được Văn Tuệ và Tư Tuệ, không những để chứng ngộ Khổ Đế và Tập Đế mà còn có vai trò chuẩn bị để tu tập Bát Chánh Đạo. Khi và chỉ khi tu tập Bát Chánh Đạo, làm khởi lên lộ trình tâm Tám Chánh mới có thể chứng ngộ hai đế còn lại là Diệt Đế và Đạo Đế.
1 – Chứng ngộ Diệt Đế hay Niết Bàn ( tiếng Ấn độ phiên âm ) là khi tu tập khởi lên lộ trình tâm Tám Chánh ( Bát Chánh Đạo ) sẽ chứng và trú một trong hai loại tâm biết.
* Một là khi khi Trí nhớ Chánh ( Chánh niệm ) nhớ đến tích cực chú tâm quán sát thân nơi thân thì sẽ chứng và trú tâm biết Trực tiếp giác quan mà gọi tắt là Trực Giác ( Tĩnh Giác ) có tánh chất “vô niệm, vô ngôn, vô phân biệt” nên không có Tham Sân Si với bất kỳ đối tượng thực tại nào, không có Ràng buộc, không có Khổ Ưu, cũng không có Lạc Hỷ với bất kỳ đối tượng thực tại nào. Chứng ngộ trạng thái vắng mặt, KHÔNG CÓ KHỔ ƯU, KHÔNG CÓ LẠC HỶ như vậy gọi là chứng ngộ Diệt Đế hay chứng ngộ Niết Bàn ( hữu dư ).
* Hai là khi Trí nhớ Chánh, nhớ đến tích cực chú tâm quan sát thọ nơi thọ, tâm nơi tâm, pháp nơi pháp thì sẽ chứng và trú tâm biết Ý thức Chánh Kiến. Lúc đó sẽ chứng ngộ không có Tham Sân Si, không có Ràng buộc với bất kỳ đối tượng thực tại nào, KHÔNG CÓ KHỔ ƯU, KHÔNG CÓ LẠC HỶ với bất kỳ đối tượng thực tại nào. Đó là chứng ngộ Diệt Đế hay chứng ngộ Niết Bàn ( hữu dư ).
2 – Chứng ngộ Đạo Đế hay chứng ngộ Con Đường Chấm Dứt Khổ là Con Đường Tám Chánh ( Bát Chánh Đạo ). Đó là thấu đạt, là Hiểu biết đúng sự thật về con đường Tám Chánh khởi lên theo quy luật Duyên khởi. Tuy lộ trình tâm Tám Chánh có 8 chi phần khởi lên tuần tự theo quy luật Duyên khởi nhưng có BA TRỤ CỘT chính là Chánh Niệm ( Trí nhớ Chánh ) – Chánh Định ( Chú tâm Chánh ) – Chánh Kiến ( Hiểu biết Chánh ) gọi tắt là Niệm – Định – Tuệ. Chứng và trú lộ trình tâm Tám Chánh là phải chứng và trú 3 chi phần căn bản là Chánh Niệm – Chánh Định – Chánh Kiến. Mà Chánh Định gồm bốn mức độ là Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền và Sơ thiền thì có Lạc Hỷ do ly dục sanh, Nhị thiền thì có Lạc Hỷ do định sanh, Tam thiền có Lạc do xả sanh, Tứ thiền thì có Hiện tại lạc trú nên chứng ngộ Bát Chánh Đạo thì sẽ chứng ngộ Lạc Hỷ do Chánh Định khởi lên.
Vậy thì, khi tu tập Bát Chánh Đạo, sẽ chứng ngộ Diệt Đế và Đạo Đế với Lạc Hỷ do Chánh Định khởi lên chứ không chứng ngộ với Khổ Ưu vì Khổ Ưu đã chấm dứt trên Bát Chánh Đạo.
Trong thực tại thế gian ( Bát Tà Đạo ), tuy rằng có Khổ Ưu vẫn có Lạc Hỷ, nhưng tại sao Lạc Hỷ ấy không chứng ngộ được Tứ Thánh Đế. Là tại vì, Lạc Hỷ ấy do Tham ái các đối tượng bên ngoài mà phát sinh, do thích thú Sắc đẹp, Tiếng hay, Hương thơm, Vị ngon, Xúc chạm êm ái … khởi lên. Lạc Hỷ ấy bản chất vui ít, khổ nhiều, não nhiều mà nguy hiểm càng nhiều hơn. Lạc Hỷ ấy là Phàm phu lạc, ô uế lạc, bất tịnh lạc. Lạc Hỷ trong thực tại xuất thế gian ( Bát Chánh Đạo ) không do các đối tượng bên ngoài khởi lên mà do tâm hành Tích cực Chánh, Chú tâm Chánh ( Chánh tinh tấn, Chánh định ) thuộc nội tâm khởi lên, nên không ràng buộc với bất kỳ một đối tượng nào. Lạc Hỷ ấy là Thánh lạc, Chánh giác lạc, an tịnh lạc. Một người tu tập mấy chục năm cho đến mấy a tang kỳ đi nữa nhưng chưa chứng và trú được Chánh định với mức độ tối thiểu là Sơ thiền ( hoặc các thiền chứng cao hơn ) thì lộ trình tâm đó không phải Bát Chánh Đạo mà chỉ là Bát Tà Đạo với Khổ và Ưu thì không bao giờ có thể Hiểu biết đúng sự thật Tứ Thánh Đế, không thể chứng ngộ Tứ Thánh Đế với Lạc và Hỷ được. Ngày nay, nhiều người bị nhồi sọ bởi hiểu biết sai lạc là thực hành để chứng ngộ các pháp vô thường, khổ, vô ngã. Thực hành để chứng các pháp vô thường, vô ngã là đúng nhưng để chứng ngộ các pháp là khổ là sai, là phi lý. Vì sự thật, tu là để hết khổ, khi thực hành Bát Chánh Đạo để chứng ngộ Diệt đế, chứng ngộ Khổ diệt, Hết khổ, còn đâu khổ nữa để mà chứng ngộ các pháp là khổ. Hiểu sai như vậy, thì sẽ tu sai như vậy nên không thể chứng ngộ Tứ Thánh Đế với khổ và ưu như vậy. Ngay cái hiểu biết các pháp đều khổ ( các pháp vô thường, khổ, vô ngã ) là hiểu biết sai sự thật khổ, là vô minh về khổ, là cho rằng khổ sẵn có, luôn luôn có, thường xuyên có, thường hằng, thường trú trong các pháp Sắc Thọ Tưởng Hành Thức ( Năm uẩn Sắc Thọ Tưởng Hành Thức là khổ ). Đó là Tà kiến gọi là Chấp Có, một trong hai Tà kiến là CHẤP CÓ và CHẤP KHÔNG. Sự thật khổ là pháp duyên khởi, khổ do duyên xúc, khổ có tự tánh vô thường, vô chủ vô sở hữu ( vô ngã ), nó sinh lên rồi diệt đi, không thường hằng cũng không thường trú ở nơi nào, pháp nào cả.

Đại Đức Nguyên Tuệ, 05/10/2019

Trả lời