Trong Nikaya có một đoạn kinh ngắn, nói về Thượng trí, là trí tuệ giác ngộ như sau : Có những pháp phải Liễu tri với thượng trí, có những pháp phải Đoạn tận với thượng trí, có những pháp phải Tu tập với thượng trí, có những pháp phải Chứng ngộ với thượng trí. Đó là :
* Pháp cần phải Liễu tri với thượng trí là NĂM THỦ UẨN ( sự thật khổ và nguyên nhân khổ )
* Pháp phải Đoạn tận với thượng trí là VÔ MINH và THAM ÁI ( nguyên nhân khổ )
* Pháp phải Tu tập với thượng trí là CHỈ và QUÁN ( Định và Tuệ )
* Pháp phải Chứng ngộ với thượng trí là MINH và GIẢI THOÁT ( Tâm giải thoát, Tuệ giải thoát ).
Tu tập CHỈ và QUÁN là tu tập ĐỊNH và TUỆ. Và mục đích tu tập Chỉ Quán là để chứng ngộ Định Tuệ và chứng ngộ Định Tuệ với mục đích là để chứng ngộ Tâm giải thoát, Tuệ giải thoát.
A- Mục đích tu Chỉ cũng là mục đích của thiền định, của tu tập Định :
CHỈ trong từ Hán Việt là đình chỉ, là dừng lại. Vậy đình chỉ hay dừng lại cái gì ? Trong lộ trình tâm Bát tà đạo ( tâm phàm phu ) sau khi tâm THẤY, thấy đối tượng thì tâm Biết ( ý thức ) sẽ khởi lên, biết đối tượng được thấy đó là cái gì, tính chất ra sao. THẤY và BIẾT đi liền nhau, nối tiếp nhau nhưng do cái Biết này là Vô minh chấp ngã nên sẽ làm phát sinh Thái độ hoặc tham hoặc sân hoặc si ( thích ghét chán ) với đối tượng, và tham sân si chính là nguyên nhân phát sinh khổ.
1- Tu tập Chánh định ( thiền định ) là tên gọi khác của tu Chỉ với mục đích TÁCH CÁI THẤY RA KHỎI CÁI BIẾT, dừng lại cái Thấy không cho cái Biết khởi lên. Khi chú tâm liên tục Cảm giác toàn thân sẽ phát sinh trạng thái định có thể là sơ thiền, nhị thiền, tam thiền hay tứ thiền thì lộ trình tâm sẽ DỪNG LẠI CÁI THẤY KHÔNG CÓ CÁI BIẾT KHỞI LÊN.
2- Kinh nghiệm được Cái Thấy thuần túy không có cái Biết xen vào. Đó là THẤY MỌI SỰ VIỆC ĐANG XẨY RA MÀ KHÔNG SUY NGHĨ, không nhận xét, không đánh giá đối tượng, thuật ngữ Phật học gọi là TỈNH GIÁC.
3- Kinh nghiệm được khi an trú cái Thấy thuần tuý thì sẽ không có Tham Sân Si ( thích ghét chán ), không khổ vui với đối tượng. Đó là kinh nghiệm Chấm dứt khổ ngay bây giờ và tại đây.
4- Kinh nghiệm được tâm trạng Tích cực, Vui, Thoải mái do Chánh định, do chú tâm liên tục cảm giác toàn thân khởi lên.
5- Tuệ tri được cái Thấy thuần túy ( Tỉnh giác ) có tính chất Vô niệm, vô ngôn, vô phân biệt. Đó là cái Thấy Không Tánh ( tánh không )
6- Tuệ tri Tâm giải thoát do Chánh định phát sinh, là trạng thái không yêu thích, không chán ghét, độc lập không ràng buộc, giải thoát không hệ lụy với đối tượng.
Tóm lược là tu Chỉ hay tu Định là để kinh nghiệm cái Thấy thuần túy ( Tỉnh giác ), kinh nghiệm được “Hết khổ được Vui” ngay bây giờ và tại đây. Nhưng cái Vui này không phải do sắc đẹp tiếng hay hương thơm vị ngon xúc chạm êm ái phát sinh, cái Vui này do Chánh định, do chú tâm liên tục cảm giác toàn thân khởi lên, là cái Vui giải thoát, cái Vui không ràng buộc, không hệ lụy.
B- Mục đích tu Quán
Mục đích tu Quán cũng là mục đích tu tập Tuệ theo tiến trình Văn – Tư – Tu, để thay đổi tâm Biết ( ý thức ) từ Hiểu biết sai sự thật gọi là Vô minh, Tà kiến thành Hiểu biết đúng sự thật gọi là Minh, Chánh kiến. Do vậy, kinh nghiệm Tuệ giải thoát. Nội dung gồm :
1- Hiểu biết đúng sự thật ( tuệ tri ) về sự Giác Ngộ của Đức Phật trong lời tuyên bố : “Này các Tỷ kheo, Như Lai nhờ như thật tuệ tri sự tập khởi, sự đoạn diệt của Thọ, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của Thọ mà Như Lai được giải thoát hoàn toàn không có chấp thủ”.
2- Hiểu biết đúng sự thật THỰC TẠI là Tâm, là Cảm thọ (Cảm giác ) chứ không phải thế giới vật chất. Những gì được thấy, được nghe, được cảm nhận ( được Thấy ) là Cảm thọ, những gì được nhận thức ( được Biết ) là Tư tưởng.
3- Hiểu biết đúng QUY LUẬT NHÂN QUẢ ( Lý duyên khởi ): Hai nhân tương tác rồi cùng diệt mới phát sinh một hay nhiều quả. Tất cả các sự vật hiện tượng ( Danh và Sắc ) điều Do Duyên Mà Khởi.
4- Hiểu biết đúng sự thật HỆ QUẢ của Quy luật Duyên khởi là các sự vật hiện tượng vật chất hay tinh thần điều Vô thường, Vô chủ vô sở hữu ( Vô ngã ).
5- Hiểu biết đúng sự thật về các thứ Tâm trong bốn nhóm tâm Thọ, Tưởng, Hành, Thức ( Cảm giác, Thấy, Hành, Biết ).
6- Hiểu biết đúng sự thật KHỔ TẬP DIỆT ĐẠO ( Tứ Thánh đế )
7- Hiểu biết đúng sự thật MINH và VÔ MINH tất cả các pháp ( Trạch pháp )
8- Hiểu biết đúng sự thật và an trú TUỆ GIẢI THOÁT.
Thiền sư Nguyên Tuệ
Nguồn: https://www.facebook.com/share/p/YcrLgiYTha4KDY6g/