SỰ THẬT VỀ HẠNH PHÚC

SỰ THẬT VỀ HẠNH PHÚC

Hạnh phúc là cảm giác dễ chịu, thuật ngữ Phật học gọi là LẠC THỌ, thuộc phạm trù Tâm, nhưng không phải do Tâm tạo, mà do Sáu căn tiếp xúc Sáu trần phát sinh ra. Nó là Pháp duyên khởi, nên nó vô thường, vô chủ, vô sở hữu (vô ngã).

Khi kẻ phàm phu đối diện một đối tượng dễ chịu mà thực chất là một lạc thọ, tham ái khởi lên và ‘lượng thông tin tham ái’ này phát sinh nơi tế bào thần kinh não bộ sẽ được truyền dẫn đến các tế bào nội tạng như tim, gan, thận, phổi, dạ dày, ruột… Tại nơi các tế bào nội tạng ‘tương hợp’ sẽ có sự tương tác với lượng thông tin này và phát sinh NỘI XÚC, do nội xúc này mà hàng loạt cảm giác dễ chịu ‘thứ cấp’ phát sinh và họ cảm nhận cảm giác lâng lâng hạnh phúc. Đây là sự thật và cũng là điều mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chứng ngộ và tuyên thuyết, đã được tuyên bố trong kinh Phạm Võng thuộc Trường Bộ Kinh: ‘Này các tỷ kheo, Như Lai nhờ như thật tuệ tri sự sinh diệt của Thọ, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của Thọ mà Như Lai được giải thoát hoàn toàn không còn chấp thủ.’

Biết như thật Hạnh phúc là Cảm thọ (cảm giác), thuộc phạm trù Tâm, thì cũng biết ngay liền nó vô thường, vô chủ, vô sở hữu, biết ngay rằng Hạnh phúc không sẵn có, không thường hằng, không thường trú trong Thế giới vật chất, không phải CỦA thế giới vật chất và như vậy chấm dứt được tư tưởng CHẤP CÓ, và cũng biết ngay rằng nó thực có, nên Thánh Phàm đều cảm nhận được, nó không phải do Tâm tạo mà do Căn Trần tiếp xúc mà phát sinh và như vậy chấm dứt được tư tưởng CHẤP KHÔNG.

Biết như thật Hạnh phúc là lạc thọ, nó vô thường, vô chủ, vô sở hữu, có vị ngọt, có sự nguy hiểm (tham ái hạnh phúc thì sẽ nắm giữ, nên khi nó biến hoại, biến diệt, mất đi thì sầu bi khổ ưu não sẽ khởi lên) thì sẽ không tham ái hạnh phúc, đó gọi là sự xuất ly hạnh phúc. Do THẤY như vậy, BIẾT như vậy về Hạnh phúc mà đoạn tận THAM ÁI HẠNH PHÚC, đoạn tận tìm cầu Hạnh phúc chỗ này chỗ kia như Dục ái, Hữu ái, Phi hữu ái. Đó là đoạn tận nguyên nhân khổ, đoạn tận khổ.

Vì không tuệ tri Hạnh phúc là cảm giác, nó vô thường, vô ngã, có vị ngọt, sự nguy hiểm, sự xuất ly, kẻ phàm phu bị che đậy, HIỂU LẦM hạnh phúc sẵn có, thường xuyên có, thường hằng, thường trú trong Thế giới vật chất ngoại cảnh, HIỂU LẦM là có thể làm chủ, có thể sở hữu, có thể nắm giữ được Hạnh phúc và nhờ vậy chấm dứt được khổ. Chính HIỂU LẦM đó phát sinh KHÁT ÁI, tìm cầu Hạnh phúc chỗ này chỗ kia như Dục ái, Hữu ái, Phi hữu ái. Và đây chính là nguyên nhân phát sinh khổ.

Khi đang cảm nhận hạnh phúc, tức một cảm giác dễ chịu thì không có cảm giác khó chịu và cảm giác trung tính nên không cảm nhận Đau khổ, nhưng vì Hạnh phúc là cảm giác, nên nó diệt đi liền và lúc đó cảm giác khó chịu hoặc trung tính sẽ có mặt và đau khổ xuất hiện. Lúc đó, lại phải tìm kiếm một hạnh phúc khác để thay thế đau khổ đang có mặt, và con người cứ miệt mài trong việc tìm kiếm hạnh phúc để chấm dứt đau khổ, và cách làm như vậy, vĩnh viễn không bao giờ chấm dứt được khổ, mà thực chất là thay khổ này bằng một khổ khác mà thôi. Ví như khi ăn một thức ăn ngon thì cảm nhận hạnh phúc nhưng cũng chính thức ăn ngon đó phải ăn liên tục nhiều ngày liền thì cảm nhận đau khổ. THỨC ĂN ĐÓ KHÔNG DIỆT mà chính cái cảm giác hạnh phúc phát sinh khi lưỡi tiếp xúc thức ăn đã diệt đi và cũng chính sự tiếp xúc giữa thức ăn ngon và lưỡi đó bây giờ lại phát sinh cảm giác đau khổ và lúc đó lại phải tìm cầu một thức ăn ngon khác để thay thế vì ‘thức ăn ngon kia đã trở thành thức ăn dở’. Tương tự như vậy, khi ở trên đỉnh cao của thành đạt, thành công lẫy lừng, chiến thắng oanh liệt, con người đạt được đỉnh cao hạnh phúc nhưng vì nó là cảm giác nên nó qua đi, lại phải đối diện các cảm giác khó chịu và đặc biệt là cảm giác trung tính (buồn chán) các ‘ngôi sao’ lại phải đi tìm các cảm giác hạnh phúc khác để thay thế. Đối với những con người đó, việc tìm kiếm một cảm giác hạnh phúc tương đương hoặc vượt trội những cảm giác hạnh phúc đỉnh cao đã có là một điều không phải dễ dàng và vì vậy họ sẽ rơi và trầm cảm hoặc sử dụng ma túy để có cảm giác hạnh phúc mãnh liệt hơn.

Hãy quan sát sự thật đời sống hàng ngày để thấy được Nhân loại đang đuổi bắt với mưu toan làm chủ, nắm giữ, sở hữu hạnh phúc để thay thế VĨNH VIỄN đau khổ, và đó chỉ là KHÁT VỌNG, là ẢO VỌNG của loài người chứ không bao giờ trở thành hiện thực vì hạnh phúc là cảm giác và nó vô thường, vô chủ, vô sở hữu (vô ngã) nghĩa là không bao giờ, không một ai nắm giữ, làm chủ, sở hữu được cảm giác hạnh phúc, nó đến nó đi tùy thuộc vào Nhân và Duyên. Nếu BIẾT được như vậy thì sẽ bình thản với mọi ĐẾN, ĐI của cả hạnh phúc và khổ đau và đó chính là CHẤM DỨT KHỔ.

– Sư Nguyên Tuệ
(trích bài viết HẠNH PHÚC CÓ THẬT HAY KHÔNG? – Sách Niệm Định Tuệ)

Trả lời