TÓM TẮT LÝ DUYÊN KHỞI VÀ CÁCH ÁP DỤNG VÀO ĐỜI SỐNG

TÓM TẮT LÝ DUYÊN KHỞI VÀ CÁCH ÁP DỤNG VÀO ĐỜI SỐNG

Câu hỏi về Lý Duyên Khởi của thiền sinh Nguyễn Nga

Thưa thầy, con có câu hỏi muốn hỏi thầy, đó là hôm nay thầy giảng về Lý Duyên khởi thì con có ghi, nhưng mà con vẫn chưa hiểu. Thầy có thể tóm tắt lại phần Lý Duyên khởi là như thế nào và áp dụng vào đời sống như thế nào được không ạ? Con xin cảm ơn.

Thiền Sư Nguyên Tuệ trả lời:

Để tóm tắt lý Duyên khởi, quý vị cũng phải thấy được cái Minh và Vô Minh về Lý Duyên Khởi.

Vô Minh về Lý Duyên Khởi và hệ quả

Vô minh về Lý Duyên Khởi là cho rằng:

  • Một nhân sinh quả, một nhân biến đổi thành quả.
  • Hoặc là có bổ sung thêm nhân chính biến đổi thành quả, có nhân phụ trợ giúp, hay là có duyên trợ giúp.

Với cái hiểu biết đó thì hệ quả của nó là:

  • Nhân trong quả, quả trong nhân.
  • Pháp này biến đổi thành pháp khác chứ không mất đi. Pháp này nó biến đổi thành pháp khác chứ không có cái gì mất đi cả.

Với hệ quả đó, quan hệ giữa các pháp bao giờ cũng là quan hệ có cái “CỦA”, đó là quan hệ lệ thuộc, quan hệ chủ nhân chủ sở hữu. Đó là cái điều đầu tiên mà quý vị phải hiểu biết rằng là nhân loại hiểu biết về lý nhân quả như vậy và đưa đến cái hệ quả như vậy. Và cái hệ quả đó là tất cả đã hiểu rằng là quan hệ với các pháp là quan hệ lệ thuộc, có cái chữ CỦA quan hệ đó là quan hệ làm chủ, quan hệ sở hữu.

Hệ Quả của Vô Minh về Lý Duyên khởi: Tư Tưởng Làm Chủ và Sở Hữu

Cho nên là nhân loại này sống với cái tư tưởng làm chủ, tư tưởng sở hữu, nó xuất phát từ cái hiểu biết về lý nhân quả sai lạc.

Hiểu biết đúng sự thật hay Minh về Lý Duyên Khởi và hệ quả

Thế còn sự thực về định lý Duyên khởi, hay là định lý cái quy luật nhân quả là hai nhân tiếp xúc với nhau rồi cùng diệt, nó mới phát sinh ra nhiều quả. Đây là cái quy luật nhân quả và cái thực tế cái sự thực đang xảy ra là mọi cái sự vật, mọi hiện tượng này là đều phát sinh theo cái quy luật là hai nhân tương tác với nhau cùng diệt nó mới phát sinh quả. Và không phải là những cái quá trình nhân quả riêng biệt mà nó cứ nối tiếp nhau.

Hệ Quả của hiểu biết Minh về Lý Duyên Khởi: Vô Thường và Vô Ngã

Vì vậy, chúng ta dựa vào quy luật đó rút ra hai kết luận:

Kết luận 1:

  • Vô Thường Tất cả các sự vật và hiện tượng, tức là các danh pháp và sắc pháp, đều đang sinh lên rồi diệt đi. Trước khi sinh không ở đâu cả, sau khi diệt đi cũng không về đâu cả.
  • Nó chỉ tồn tại, chỉ hiện hữu trong cái khoảng thời gian đó thôi. Không bao giờ lặp lại, không bao giờ là có một cái pháp nào là lặp lại hai lần, chỉ một lần duy nhất như vậy thôi và như vậy đó gọi là vô thường. Vô thường phải được hiểu theo hai nghĩa: Vô Thường là không thường hằng. Vô Thường là không thường trú. Hay nói cách khác là các cái pháp không sẵn có ở đâu cả, không luôn luôn có ở đâu cả. Không sẵn có, không luôn luôn có mà nó chỉ phát sinh khi duyên xúc thôi. Có xúc thì nó có, và nó xúc với cái khác thì là nó diệt, sinh lên rồi diệt. Cho nên là trước khi sinh không ở đâu cả, sau khi diệt cũng không có đâu cả. Cho nên là các pháp là đang sinh diệt hay là vô thường. Đó là cái hệ quả thứ nhất là chúng ta rút ra từ cái định luật nhân quả.

Kết luận 2: Vô Ngã

  • Thứ 2 là Tất cả các sự vật hiện tượng, cái quan hệ giữa các pháp, các sự vật hiện tượng, xét theo mặt thời gian thì nhân diệt quả sanh. Cho nên giữa nhân quả không hề tồn tại một cái quan hệ chủ nhân chủ sở hữu. Vì vậy, xét theo mặt thời gian, nhân diệt quả sinh như vậy cho nên là các pháp là vô chủ vô sở hữu, không có cái gì là chủ nhân chủ sở của các pháp cả.
  • Nếu như xét theo mặt không gian thì hai nhân bình đẳng tương tác với nhau rồi cùng diệt. Như vậy là quý vị thấy hai nhân nó bình đẳng, không nhân nào là chính, không nhân nào là phụ, không nhân nào là chủ nhân chủ sở của nhân nào. Vậy thì quan hệ với các pháp theo cái chiều không gian không hề có cái quan hệ chủ nhân chủ sở hữu.
  • Và như vậy là các pháp cũng vô chủ vô sở hữu xét theo mặt không gian. Ở đây là chúng ta xét quan hệ với các pháp, quan hệ với các pháp thì chỉ là quan hệ nhân diệt quả sanh, quan hệ nhân quả chứ không hề có cái quan hệ là Chủ Nhân Chủ sở hữu, không hề có cái quan hệ là pháp này phụ thuộc vào pháp kia. Không có cái quan hệ là các pháp mà nương nhau mà tồn tại.

Sự Khác Biệt về Lý Duyên Khởi của các Trường Phái Phật Giáo

Đây là một cái điều mà hoàn toàn trái ngược với cái hiểu biết của nhân loại mà kể cả quý vị nghiên cứu Phật giáo thì cả Nam Tông, Bắc Tông đều nói là các pháp lệ thuộc với nhau, nương nhau mà tồn tại phải không ? Cái sự thực nó không phải như vậy và đây là quý vị quan sát sự thực để biết rõ như vậy.

Chứ không phải rằng là có một cái lý thuyết hay là tôi áp đặt cho quý vị, thế thì các pháp là vô thường, các pháp là vô chủ vô sở hữu thì cái nghĩa vô chủ, vô sở hữu rất là rõ ràng không hề có một cái gì là chủ nhân chủ sở hữu cả và cũng có nghĩa là không có một cái ta, một cái tôi, một cái bản ngã nào là chủ nhân chủ sở của các pháp cho nên các pháp gọi là vô ngã là như vậy.

Có trường phái cho rằng quan hệ giữa các pháp là lệ thuộc nương nhau mà tồn tại pháp này là chủ nhân của pháp kia

Vậy thì là bây giờ quý vị sẽ thấy rằng là con người vì hiểu biết về lý nhân quả sai lạc và trong cái lý nhân quả sai lạc đó thì hiểu biết rằng là giữa các pháp là có cái chữ CỦA, nhân trong quả, quả trong nhân, nhân biến đổi thành quả, thì quả là của nhân vì vậy quan hệ giữa các pháp là lệ thuộc nương nhau mà tồn tại, pháp này là chủ nhân của pháp kia.

Và quý vị cũng thấy trong Phật giáo là còn có nếu như là quý vị đã học tâm rồi đó và sau học quán tâm thì quý vị mới thấy rằng là các trường phái Phật giáo đều hiểu tâm như là cấu trúc nguyên một khối. Rồi có nhiều tác dụng và đồng thời họ lấy cái hình ảnh họ hiểu tâm, tâm cấu trúc nguyên một khối giống như là một cỗ máy và họ lấy cái bộ máy công quyền của một nước để làm ví dụ cho Tâm.

Trong đó ông Thủ tướng là điều khiển, ra lệnh các ông Bộ trưởng, ông Bộ trưởng mới đi làm cái công việc mà do ông thủ tướng điều khiển chỉ định cho nên là quan hệ giữa ông thủ tướng là cái quan hệ làm chủ sở hữu các ông Bộ trưởng, các ông Bộ trưởng này phụ thuộc vào ông thủ tướng. Thế thì họ cũng lấy cái mô hình đó họ xây dựng lên cấu trúc tâm gồm có tâm vương và tâm sở, tâm vương như ông thủ tướng tâm sở tức là tâm sở hữu là bị thuộc quyền sở hữu của là tâm vương. Cho nên thành ra là không hiểu lý Duyên khởi, không thấy sự thực lý Duyên khởi thì không thấy được cái cái tính vô thường và vô ngã, vô thường là nó sinh diệt không có cái cấu trúc nguyên khối nào cả.

Quan sát sự thực Vô Thường, Vô chủ vô sở hữu của các pháp

Khi mà quý vị hiểu rằng thí dụ như là sắc pháp trong hiện tại đây cứ từng đôi một, hai sắc pháp tiếp xúc với nhau rồi cùng diệt nó phát sinh một sắc pháp khác phải không nào? Những sắc pháp khác rồi các sắc pháp khác nữa, từng đôi một tiếp xúc diệt vì vậy quý vị có thể nào, có thấy có hiểu thế nào là cái thế giới này có một cái cấu trúc nguyên khối gì không? Không hề có, không thể nào tưởng tượng ra được phải không ạ? Không hề tồn tại như vậy, không thể suy luận như vậy được.

Nhưng khi mà thiên văn học nói là vũ trụ này là các thiên hà cái hệ mặt trời rồi thiên hà có phải là cấu trúc Nguyên khổi không? Cho nên định luật Duyên khởi là cái nền tảng và Đức Phật thuyết sau này trong kinh điển có nói rằng, ngoại đạo hỏi sa môn Gotama thuyết pháp gì? thì vị đó nói rằng là Đức Thế Tôn thuyết sắc, thọ, tưởng, hành, thức là vô thường, sắc, thọ, tượng, hành, thức là vô ngã, chỉ có từng đó thôi.

Nhưng mà quý vị cũng thấy là nói vô thường, vô ngã, nói Lý Duyên khởi không phải là loài người không có cái hiểu biết mà là hiểu biết sai, cho nên sống với cái hiểu biết sai.

Còn bây giờ phải tiếp thu cái lý Duyên khởi này để làm sao là cho nó trở thành của mình, mình sống với cái đó. Thí dụ như là, ông bố và đứa con, bao giờ ông bố cũng là khởi lên là con là của bố phải không nào? Con mà sai trái cái là bố bạt tai liền. Bởi vì đó là cái tư tưởng làm chủ, tư tưởng điều khiển và cái quan hệ giữa bố con là có cái chữ “CỦA” đó là hiểu sai quan hệ nhân quả. Đâu một mình ông bố đẻ ra được đứa con, thì phải có cha có mẹ rồi có hóa sanh thì tương tác với nhau nó mới phát sinh ra, cho nên đứa con trước khi sinh ra là không ở đâu cả.

Ứng Dụng Lý Duyên Khởi vào Đời Sống với lộ trình Văn Tư Tu

Thế thì bây giờ quý vị ứng dụng thì phải trước tiên phải học để khi mà đụng với sự thực thì cái hiểu biết đó nó khởi lên thì lúc đó là nó đơn giản, bây giờ quý vị, thí dụ như là quan hệ giữa cha mẹ con cái rồi vợ chồng rồi đối tác quý vị nếu như quý vị nhìn được, nhìn ra đây là hai nhân tương tác với nhau nói phát sinh quả, như vậy quý vị nhìn thấy lý Duyên Khởi rồi.

Và khi mà cái hiểu biết đó khởi lên quý vị thì cái tư tưởng làm chủ, tư tưởng sở hữu, tư tưởng điều khiển nó không có mặt. nơi quý vị, lúc đó là quý vị sẽ sống bởi cái hiểu biết Lý Duyên khởi và lúc đó cái kết quả có xảy ra như thế nào. Chỉ có người không biết lý Duyên khởi mới thích mới ghét cái kết quả phải không nào? Kết quả mà đúng theo ý mình thì thích mà ngược với ý mình thì ghét.

Không Thích, Không Ghét, SẼ Không Ràng Buộc với kết quả

Còn người mà lúc sự việc xảy ra cái hiểu biết về lý Duyên khởi nó có mặt thì người đó biết rằng là cái kết quả này đâu mình có thể điều khiển được, đâu có thể làm chủ được nó, phụ thuộc vào hai nhân. Vậy thì người đó sẽ không thích, sẽ không ghét cái kết quả nó xảy ra, không ràng buộc với cái kết quả xảy ra.

Cho nên lý Duyên khởi nó cũng thật sự nó cũng đơn giản nhưng mà không đơn giản một chút nào cả bởi vì cái hiểu biết một nhân sinh quả, cái hiểu biết là quan hệ chủ nhân chủ ở hữu nó đã chi phối đời sống nhân loại này, vừa đẻ ra là đã học cái vô minh mà không những là đẻ ra mà trong cái cái bộ nhớ, trong cái thông tin từ cái người chết sang thai này trong đó là có Vô Minh rồi.

Vén màn Vô minh để thấy được sự thật Lý Duyên khởi

Cho nên là bây giờ mới học cái lý Duyên khởi này phải không nào? Và quý vị đọc sách đâu có ai đi dạy cũng chưa bao giờ nghe được điều này, tuy rằng cái sự thực nó trần trụi nó phơi bày ra đó nhưng mà không ai thấy được cả vì sao? Vì vô Minh nó che mắt không thấy được sự thật cho nên chỉ khi nào vén cái màn vô minh, quan sát sự thật mới thấy được cái sự thật về lý Duyên khởi.

  • Thiền sư Nguyên Tuệ

Để lại một bình luận