Trí tuệ là một khái niệm căn bản và quan trọng bậc nhất trong Phật học. Trong Phật giáo có thành ngữ “Duy Tuệ Thị Nghiệp” nghĩa tiếng Việt là : đối với người tu học Phật giáo thì “TRÍ TUỆ LÀ SỰ NGHIỆP DUY NHẤT”. Vì Trí tuệ là thứ duy nhất ĐOẠN TẬN vô minh chấp ngã, đoạn tận tham sân si, đoạn tận khổ đau, đoạn tận sinh tử luân hồi. Trí tuệ là thứ duy nhất có khả năng khởi lên Chánh trí : Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm, không còn trở lui cuộc đời này nữa.
Vậy Trí tuệ là gì ?
Trí tuệ là ngôn từ xuất hiện đầu tiên trong Phật học, nhưng rồi được dùng rộng rãi trong đời sống thế gian với ý nghĩa sai lệch là “hiểu nhiều biết rộng, uyên thâm uyên bác”. Trí tuệ trong Phật giáo đôi khi được gọi tắt là Trí hay Tuệ, là HIỂU BIẾT ĐÚNG SỰ THẬT CÁC SỰ VẬT HIỆN TƯỢNG. Trí tuệ đồng nghĩa với Minh, với Chánh kiến. Ngược với Trí Tuệ do Đức Phật khám phá và truyền dạy, thế gian cũng có hiểu biết về các sự vật hiện tượng nhưng là HIỂU BIẾT SAI SỰ THẬT CÁC SỰ VẬT HIỆN TƯỢNG và được gọi là Vô minh, Tà kiến.
Phật học có đề cập tới 2 loại tâm biết là Tưởng tri ( cái biết Tưởng ) và Thức tri ( cái biết Thức ) mà tiếng Việt gọi là tâm Thấy và tâm Biết, triết học gọi là Nhận thức cảm tính và Nhận thức lý tính đối tượng.
Tâm Thấy gồm có 6 loại, phát sinh nơi các giác quan gồm Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức, Tưởng thức ghi nhận 6 loại đối tượng thực tại phát sinh nơi các giác quan tương ứng. Tâm Thấy chỉ ghi nhận hay nhận biết đối tượng giống như một máy ảnh ghi lại hình ảnh đối tượng. Tính chất của tâm Thấy là không có khái niệm, ngôn từ, phân biệt ( vô niệm, vô ngôn, vô phân biệt ). Thánh Phàm, người và động vật tính chất của tâm Thấy điều giống nhau, nghĩa là chỉ ghi nhận đối tượng, đối tượng như thế nào thì ghi nhận như thế đó ( đúng sự thật ) nhưng vô niệm, vô ngôn, vô phân biệt.
Sau khi tâm Thấy nhận biết đối tượng, tâm Biết khởi lên, biết đối tượng đó là cái gì, tính chất ra sao. Tâm Biết phát sinh nơi tế bào thần kinh não bộ, được gọi là Ý thức do học hỏi những kiến thức và khởi lên theo lộ trình:
- Niệm ( trí nhớ ) – Tư duy ( suy nghĩ )- Ý thức ( biết ).
Tâm Biết liên quan chặt chẽ với kho chứa thông tin ( bộ nhớ, thẻ nhớ ) lưu giữ các thông tin của các tri thức kinh nghiệm đã học hỏi, đã biết.
Con người hay con vật khi sinh ra và hễ 6 căn ( 6 loại tế bào thần kinh ) tỉnh thức thì khi tương tác với 6 trần sẽ phát sinh đồng thời tâm Thấy và Đối tượng được thấy. Điều xẩy ra này là “quy luật tự nhiên” không cần phải học hỏi hay chuẩn bị gì cả. Nhưng tâm Biết khởi lên sau tâm Thấy để biết đối tượng được thấy đó là cái gì, tính chất ra sao thì phải trải qua quá trình học hỏi, ôn luyện.
Hãy quan sát mỗi một đứa trẻ khi mới đẻ ra, nó Thấy mọi sự, mọi vật nhưng nó không Biết đó là cái gì, tính chất ra sao. Cùng với quá trình lớn lên là quá trình học hỏi, rồi dần dà nó mới biết cái đó là cái gì, tính chất ra sao. Có hai cách học hỏi các tri thức, kinh nghiệm và cũng có 2 cách hay 2 lộ trình khởi lên tâm Biết. Cách thứ nhất là học hỏi và khởi lên cái Biết sai sự thật, cái Biết vô minh chấp ngã. Cách thứ hai là học hỏi và khởi lên cái Biết đúng sự thật, cái Biết Minh, trí tuệ.
Hai cách học hỏi các tri thức, kinh nghiệm
* Cách thứ nhất học hỏi Vô minh chấp ngã :
Con người từ khi sinh ra cùng với quá trình lớn lên cho đến già chết là một quá trình học hỏi tri thức kinh nghiệm liên tục. Nhưng các tri thức được con người học hỏi, tiếp thu rồi lưu vào bộ nhớ dưới dạng các thông tin đều là những kiến thức, những hiểu biết, những tư tưởng sai sự thật thực tại. Có thể có những kiến thức do khoa học thực nghiệm mày mò khám phá ra đúng với QUY LUẬT DUYÊN KHỞI nhưng khi nó trở thành các kiến thức lưu truyền thì các kiến thức đó đã “nhuốm màu” vô minh chấp ngã.
Vì vậy, các thông tin về tri thức kinh nghiệm, tư tưởng được lưu giữ trong “bộ nhớ” của con người đều là các thông tin “nhuốm màu” Vô minh chấp ngã. Vì vậy khi lộ trình tâm khởi lên Thấy đối tượng rồi tâm Biết khởi lên, sẽ có nội dung Vô minh chấp ngã. Cái Biết đó được gọi là Ý thức Tà tri kiến, là những hiểu biết sai sự thật về đối tượng được thấy. Lộ trình đó như sau :
XÚC ( Căn + Trần ) – [Thấy – Đối tượng] – Tà niệm – Tà tư duy – [Biết – Tư tưởng tà kiến]
Quá trình tâm Biết khởi lên là do Tà niệm – Tà tư duy, nghĩa là Niệm ( trí nhớ, Google ) tìm kiếm kích hoạt các thông tin nhuốm màu Vô minh, chấp ngã trong bộ nhớ ( nên Niệm đó được gọi là Tà niệm ), tiếp đến Tà tư duy khởi lên sẽ “phân tích so sánh, đối chiếu” Đối tượng được thấy với các Thông tin nhuốm màu vô minh chấp ngã mà Tà niệm kích hoạt”. Hành vi Tà tư duy đó làm phát sinh đồng thời [tâm Biết và Tư tưởng tà kiến]. Tâm Biết sẽ biết về Đối tượng được thấy nhưng là biết những tri thức, tư tưởng những thông tin về đối tượng ( gọi chung là Tư tưởng).
Với cái Biết vô minh chấp ngã, cái Biết tà kiến này thì sẽ phát sinh Thái độ Tham hoặc Sân hoặc Si với đối tượng. Do thái độ Tham sân si mà sẽ có lời nói, hành động cư xử với đối tượng. Và cuối cũng sẽ có kết quả hoặc Khổ hoặc Vui với đối tượng. Đây chính là diễn tiến của lộ trình tâm Bát Tà đạo theo quy luật Duyên khởi.
*Cách thứ hai, học hỏi Minh, Trí tuệ :
Đó là những người có duyên được nghe những KIẾN THỨC ĐÚNG SỰ THẬT về các sự vật hiện tượng xẩy ra trong thực tại do Đức Phật khám phá và truyền dạy. Những kiến thức hay tri thức, hay hiểu biết, hay tư tưởng ĐÚNG SỰ THẬT này gọi là Minh, là Trí tuệ, là Chánh kiến. Những kiến thức, tri thức gọi là Minh, Trí tuệ, Chánh kiến được nghe này sẽ được lưu vào bộ nhớ dưới dạng thông tin Minh. Lúc này trong bộ nhớ của người có duyên này có hai loại thông tin Vô minh và Minh cùng những thông tin tri thức kinh nghiệm. Quá trình cái Biết Minh, Trí tuệ, Chánh kiến sẽ khởi lên theo tiến trình :
XÚC ( Căn + Trần ) – [Thấy – Đối tượng] – Chánh niệm – Chánh tư duy – [Biết – Tư tưởng Chánh kiến]
Quá trình tâm Biết khởi lên là do Chánh niệm – Chánh tư duy, nghĩa là Niệm sẽ tìm kiếm, kích hoạt thông tin Minh trong bộ nhớ ( không kích hoạt thông tin Vô minh ) nên Niệm này gọi là Chánh niệm, tiếp theo Chánh tư duy khởi lên sẽ “phân tích so sánh đối chiếu” Đối tượng được thấy với các thông tin mà Chánh niệm kích hoạt ( “nhuốm màu” Minh, trí tuệ ) làm phát sinh đồng thời tâm [Biết và Đối tượng được biết là Tư tưởng Chánh kiến]
A- Trí tuệ Trạch pháp :
Đó là trí tuệ phân biệt 2 loại hiểu biết sai sự thật và đúng sự thật hay Vô minh và Minh với mọi sự vật hiện tượng ( mọi pháp ). Để có được Trí tuệ trạch pháp, phân biệt được Vô minh và Minh đối với mọi sự vật hiện tượng thì phải thực hành đúng lộ trình Văn – Tư – Tu để có Văn tuệ – Tư tuệ – Tu tuệ.
Các pháp như Danh và Sắc, như cứng mền, nặng nhẹ thô mịn, nóng lạnh, mặn ngọt chua cay, đàn ông đàn bà, trăng sao, vũ trụ… cho đến, năm uẩn sắc thọ tưởng hành thức, duyên khởi, vô thường, vô ngã, khổ tập diệt đạo … mỗi mỗi điều đang tồn tại hai loại hiểu biết Minh ( trí tuệ, chánh kiến ) và Vô minh ( chấp ngã, tà kiến ). Phải Văn Tư Tu để có được Trí tuệ Trạch pháp rõ ràng, minh bạch về Minh và Vô minh của mỗi một sự vật hiện tượng. Và Trí tuệ Trạch pháp này là một trong bảy yếu tố đưa đến giác ngộ và người giác ngộ thì đã viên mãn yếu tố này trong Bảy Giác Chi.
B- Chánh trí :
Là Trí tuệ tột cùng của sự tu học. Là Trí tuệ xuất hiện khi một vị tu học đạt được giác ngộ viên mãn như cách nói trong kinh điển là khi đạt đạo quả A la hán . Các vị hữu học đạo có thể có đầy đủ trí tuệ, có trí tuệ Trạch pháp Vô minh và Minh nhưng chưa có Chánh trí, chỉ có vị A la hán, vị vô học đạo mới có Chánh trí, mới có Trí tuệ này. Vậy nội dung của Chánh trí là gì ? Nội dung của Chánh trí là : Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm xong, không còn trở lui cuộc đời này nữa.
Đối với vị hữu học đạo trong bộ nhớ có thông tin về tri thức kinh nghiệm nhưng cũng đồng thời có 2 loại thông tin Vô minh chấp ngã và Minh trí tuệ. Do vậy, lộ trình tâm của vị hữu học đang tồn tại 2 lộ trình tâm Bát tà đạo và Bát Chánh đạo đan xen nhau, nhiều ít khác nhau tùy theo Niệm. Nếu Tà niệm kích hoạt thông tin Vô minh chấp ngã thì Bát tà đạo khởi lên theo duyên khởi. Nếu Chánh niệm kích hoạt thông tin Minh, trí tuệ thì Bát Chánh đạo sẽ khởi lên theo duyên khởi.
Khi Văn Tư Tu đi đến viên mãn Trí tuệ thì tại nơi bộ nhớ sẽ xẩy ra sự “đột chuyển trong thẳm sâu tâm thức”, Minh trí tuệ sẽ xóa bỏ Vô minh chấp ngã. Lúc đó thông tin trong bộ nhớ có các thông tin tri thức kinh nghiệm và Minh không còn thông tin Vô minh chấp ngã nữa. Nghĩa là toàn bộ thông tin trong bộ nhớ do học hỏi kinh nghiệm từ trước đến nay được THANH LỌC KHỎI VÔ MINH CHẤP NGÃ và nhuốm màu Minh. Kể từ đó mọi Niệm khởi lên điều là Chánh niệm, mọi thông tin tri thức kinh nghiệm được kích hoạt điều nhuốm màu Minh và cái Biết khởi lên theo tiến trình Chánh niệm – Chánh tư duy đều là Chánh kiến, là Minh, là Trí Tuệ. Đó là lúc Chánh trí khởi lên.
Tác giả: Thiền sư Nguyên Tuệ
Nguồn: