CHẤP CÓ CHẤP KHÔNG VÀ LÝ DUYÊN KHỞI

Ai với Chánh trí tuệ thấy như chơn các pháp tập khởi thì không cho rằng các pháp là không có. Ai với Chánh trí tuệ thấy như chơn các pháp đoạn diệt thì không cho các pháp là có. Chấp Có ,chấp Không có là những biên kiến. Như Lai xa lìa hai cực đoan mà thuyết pháp ở Trung Đạo: cái này có do cái kia có, cái này sinh do cái kia sinh, cái này không có do cái kia không có ,cái này diệt do cái kia diệt.

– Trước tiên phải hiểu thế nào là chấp Các pháp là Có, thế nào là chấp các pháp là Không có.

Chấp có

Ví như một người thấy một khúc mía, liền khởi lên hiểu biết : khúc mía này ngọt. Với hiểu biết này ngọt là một pháp ,ngọt là vật chất, ngọt thường trú nơi cây mía, cây mía có bị ép ra thành nước thì ngọt thường trú nơi nước mía, nước mía được nấu thành đường thì ngọt ở nơi đường ,đường được chế biến thành kẹo bánh thì ngot ở nơi kẹo bánh, đường đó có chế biến thành giấm thì ngọt không mất đi mà chỉ biến đổi thành chua mà thôi. Như vậy ngọt là một pháp, thường hằng, thường trú, không sinh ra cũng không mất đi mà chỉ biến đổi từ vật này sang vật khác ,từ trạng thái này sang trạng thái khác mà thôi. Như vậy theo hiểu biết này ngọt là thường có, sẵn có không từ đâu sanh, không bao giờ diệt. Tất cả các pháp khác như đất nước gió lửa, vuông tròn,to nhỏ, đẹp xấu,xanh vàng đỏ trắng ,mặn ngọt chua cay,cứng mền ,thô mịn … cũng đều như vậy nghĩa là các pháp thường còn, sẳn có, luôn luôn có, thường trú nơi Cảnh, nên gọi là chấp các pháp là Thường Có. Quan niệm này gọi là Thường Kiến,thuộc về chủ nghĩa Duy Vật.

Chấp Không

Khi một người khoẻ mạnh cảm nhận được cây mía ngọt,nhưng khi người đó ốm nặng cũng cây mía đó lại cảm nhận nhạt nhẽo hoặc đắng ,không còn ngọt nữa. Người này kết luận ngọt không nằm trong cây mía, mà ngọt là do Tâm tạo, ngọt do Tâm sanh. Từ những nhận xét tương tự như vậy mà khái quát lên, trừu tượng lên đưa đến chủ trương các pháp do Tâm tạo, các pháp do Tâm sanh.

Tâm sanh ra các pháp ( các sự vật hiện tượng ) là một Năng Lực Tinh Thần tuyệt đối, một Thượng Đế Toàn Năng, một Đại Ngã, một Chân Tâm Thường Trụ … Tên gọi Tâm đó thì tuỳ thuộc vào từng trường phái, từng tôn giáo nhưng quan niệm thì đều giống nhau nghĩa là các pháp không có thật, chỉ do Tâm tạo ra. Đây chính là chấp các pháp là Không Có, chỉ do Tâm hoá hiện ra và quan điểm này là Đoạn Kiến, thuộc về chủ nghĩa Duy Tâm.

Ly 2 cực đoạn, chấp có, chấp không mà Đức Phật thuyết pháp trung đạo duyên khởi

– Thấy như chơn các pháp tập khởi, thấy như chơn các pháp đoạn diệt thì ly hai cực đoan Thường Có và Không Có. Một người nếu quán sát sự thật sẽ thấy rằng: Có khúc mía và có Lưỡi, tức có hai nhân nhưng chưa tiếp xúc nhau thì chưa có vị ngọt nào phát sinh cả. Khi Lưỡi tiếp xúc với Khúc mía, lập tức phát sinh cảm giác vị ngọt. Đây là “ngọt ” thực ,dù là Phàm hay Thánh đều cảm nhận được. Ngọt là cảm giác nó là Tâm chứ không phải Cảnh (vật chất). Xúc sinh cảm giác vị ngọt sinh, Xúc diệt cảm giác vị ngọt diệt vì vậy cảm giác vị ngọt Vô thường, không luôn luôn có, không Thường Có.

Cảm giác vị ngọt do duyên Căn Trần tiếp xúc mà sinh ra, Thánh hay Phàm đều cảm nhận được, Xúc sinh nó sinh, Xúc diệt nó diệt ,tuy nó chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn ngủi nhưng nó có thật chứ không phải do Tâm hoá hiện ra nên không phải là Không Có. Như vậy thấy như chơn ngọt tập khởi, thấy như chơn ngọt đoạn diệt là như vậy, cũng có nghĩa là Liễu tri “ngọt” thì chấm dứt được cái thấy sai lạc gọi là hai cực đoan Thường Có và Không Có hay Thường Kiến và Đoạn Kiến theo chủ nghĩa Duy Vật và Duy Tâm.

Lý Duyên Khởi được Đức Phật giới thiệu rất ngắn gọn: do cái này có ,cái kia có, do cái này sinh, cái kia sinh, do cái này không có, cái kia không có, do cái này diệt cái kia diệt.

Cái này là Nhân và Cái kia là Quả, nhưng không phải là một nhân sinh quả,hay nhân chính biến đổi thành quả có nhân phụ trợ giúp, hay nhân chính biến đổi thành quả có duyên trợ giúp. Quán sát sự thật để thấy cụ thể: Cái này là nhân bao gồm Lưỡi là nhân thứ nhất ( Căn )và Khúc mía là nhân thứ hai ( Trần ). Hai nhân này bình đẳng ,không nhân nào là chính, không nhân nào là phụ. Có đủ hai nhân nhưng chưa có sự tiếp xúc thì chưa có Cảm giác vị ngọt nào phát sinh.

Khi Lưỡi và Khúc mía tiếp xúc với nhau thì lập tức phát sinh Cảm giác vị ngọt. Như vậy Nhân là Cái này bao gồm hai nhân Căn Trần duyên nhau, tức tiếp xúc với nhau hay còn gọi là duyên Xúc. Đây gọi là Nhân duyên hay duyên khởi lên các pháp. Cái kia chính là Quả, nhưng không phải hai nhân tiếp xúc phát sinh một quả mà phát sinh nhiều quả.

Khi Lưỡi tiếp xúc với Khúc mía không những phát sinh Cảm giác vị ngọt, mà còn đồng thời phát sinh một cái biết ,nhận biết Cảm giác vị ngọt đó. Cái biết này là cái biết trực tiếp giác quan, hay còn gọi là Nhận thức cảm tính có tên gọi là Thiệt thức. Như vậy Cái kia hay Quả bao gồm Cảm giác vị ngọt và Thiệt thức.

Quán sát sự thật như vậy để thấy được lời dạy của Đức Thế Tôn, rất ngắn gọn, rất đơn giản ,không thừa, không thiếu một chi tiết nào. Cần phải quán sát một chi tiết cũng hết sức quan trọng là Nhân diệt thì Quả sanh, Nhân và Quả không bao giờ cùng đồng thời tồn tại. Khi Lưỡi và Khúc mía tiếp xúc với nhau phát sinh Cảm giác vị ngọt và Thiệt thức thì Lưỡi không còn y nguyên như ban đầu, mà nó đã đổi khác, nghĩa là Lưỡi cũ diệt, Lưỡi mới phát sinh, Khúc mía cũng tương tự như vậy.

Sự sinh diệt này rất vi tế nên có thể lấy một thí dụ khác để thấy Nhân diệt Quả sanh dễ hơn. Ví như chậu nước trong và gói thuốc nhuộm đỏ tiếp xúc với nhau và cả hai cùng diệt mới phát sinh chậu thuốc nhuộm đỏ. Căn Trần tiếp xúc nhau gọi tắt là Xúc. Xúc sinh Cảm giác vị ngọt và Thiệt thức sinh, Xúc diệt Cảm giác vị ngọt và Thiệt thức diệt nên Cảm giác vị ngọt và Thiệt thức Vô thường. Khi Cảm giác vị ngọt và Thiệt thức sinh lên thì Căn Trần ( Lưỡi cũ và Khúc mía cũ ) đã diệt nên nó hoàn toàn độc lập hay nó Vô chủ nghĩa là Lưỡi và Khúc mía không có quan hệ chủ nhân hay chủ sở hữu cảm giác vị ngọt.

Như vậy thấy được Duyên khởi lên Cảm giác vị ngọt và Thiệt thức cũng thấy luôn Cảm giác vị ngọt và Thiệt thức đều Vô thường ,Vô chủ ( Vô ngã ). Mỗi người phải tự mình quán sát tỉ mỉ sáu căn tiếp xúc sáu trần để tự mình thấy, tự mình biết như thật quy luật Duyên khởi nghĩa là : Hai nhân Căn và Trần tiếp xúc nhau rồi cùng diệt mà phát sinh hai quả đồng thời là Cảm giác và Cái biết trực tiếp giác quan ( còn gọi là Thọ và Tưởng ),các pháp này đều Vô thường, Vô chủ ( Vô ngã )

  • Nhãn xúc phát sinh : Cảm giác hình ảnh – Nhãn thức
  • Nhĩ xúc phát sinh : Cảm giác âm thanh – Nhĩ thức
  • Tỉ xúc phát sinh : Cảm giác mùi – Tỉ thức
  • Thiệt xúc phát sinh : Cảm giác vị – Thiệt thức
  • Thân xúc phát sinh : Cảm giác xúc chạm – Thân thức
  • Ý xúc phát sinh : Cảm giác pháp trần – Tưởng thức
  • Viết tóm tắt là : Xúc – Cảm giác ( Thọ ) – Tưởng 

Khi sáu Căn tiếp xúc sáu Trần phát sinh sáu Cảm thọ và sáu Tưởng tức sáu cái biết trực tiếp nhận biết sáu Cảm thọ, sự việc này xẩy ra nơi các giác quan. Sau đó lượng thông tin của cái biết trực tiếp được truyền dẫn vào trong tế bào thần kinh não bộ. Tại tế bào thần kinh não bộ phát sinh sự tiếp xúc (tương tác) giữa lượng thông tin được truyền vào với lượng thông tin Pháp trần được lưu giữ trong cấu trúc ADN của tế bào. Đây cũng là Ý tiếp xúc với Pháp và gọi là Nội xúc. Sự tiếp xúc hay tương tác này sẽ phát sinh Niệm, tiếp đến lượng thông tin do Niệm kích hoạt sẽ tương tác với lượng thông tin được truyền vào phát sinh Tư duy. Lộ trình cứ thế tiếp diễn làm phát sinh Ý thức, rồi từ Ý thức phát sinh Thái độ và Phản ứng với đối tượng và cuối cùng là kết quả .Từ Niệm trở đi, các Danh pháp này đều do Ý tiếp xúc với Pháp trần mà phát sinh, cụ thể là sự tương tác giữa hai tượng thông tin ngay trong bản thân tế bào thần kinh não bộ, hoặc các tế bào chức năng khác ( phát sinh ra lời nói, hành động ) nên gọi là Nội xúc.

Các Danh pháp này đều Vô thường ,Vô ngã. Lý Duyên khởi này được đề cập trong Thập nhị nhân duyên: Do duyên Vô minh mà có Hành, do duyên Hành mà có Thức (tái sinh), do duyên Thức (tái sanh) mà có Danh Sắc, do duyên Danh Sắc mà có Lục nhập, do duyên Lục nhập mà có Xúc, do duyên Xúc mà có Thọ, do duyên Thọ mà có Ái, do duyên Ái mà có Thủ, do duyên Thủ mà có Hữu, do duyên Hữu mà có Sinh, do duyên Sinh mà có Già chết sầu bi khổ ưu não không thể kể xiết.

Lý Duyên khởi này phải được quán sát theo hai phân đoạn:

Một là Vô minh – Hành – Thức (tái sanh) – Danh Sắc để thấy rõ Nguyên lý luân hồi tái sanh, để thấy được sự xuất hiện,sự phát sinh của Danh Sắc.

Hai là Lục nhập – Xúc – Thọ – Ái – Thủ – Hữu – Sinh – Già chết sầu bi khổ ưu não để biết Về Bát Tà Đạo, để tuệ tri Khổ Đế và Tập Đế. Quán sát một cách tỉ mỷ sẽ là:

  • Xúc – Thọ – Tưởng – Tà Niệm – Tà Tư duy – Tà Tri kiến – Tham Sân Si – Tà Định – Dục – Tà Tinh tấn – Phi Như Lý tác ý – Tà ngữ, Tà nghiệp, Tà mạng – Sinh già bệnh chết sầu bi khổ ưu não

Đây là lộ trình Duyên khởi lên Thực tại của Phàm phu, nó chính là lộ trình tâm Bát Tà Đạo.
Lộ trình duyên khởi lên Thực tại của bậc Thánh cũng do duyên sáu Căn và sáu Trần mà phát sinh, nó là lộ trình Bát Chánh Đạo trên đó có Diệt Đế và Đạo Đế như sau: 

  • Xúc – Thọ – Tưởng – Chánh Niệm – Chánh Tinh tấn – Chánh Định – ( Tỉnh Giác ) – Chánh Tư duy – Chánh Tri kiến – Như Lý tác ý – Chánh ngữ Chánh nghiệp Chánh mạng

Quán sát Lý Duyên Khởi để thấy biết như thật Thực tại đang là của Phàm và Thánh, để thấy biết như thật Khổ Tập Diệt Đạo chứ không phải để có được sự hiểu biết về Thế giới, hiểu biết về nguồn gốc Thế giới, hiểu biết về các giai đoạn Thành Trụ Hoại Không của Thế giới, hiểu biết về các bí ẩn của Thế giới, hiểu biết sự thật tuyệt đối của Thế giới.

Như vậy quán sát Lý Duyên khởi là quán sát sự tiếp xúc giữa sáu Căn và sáu Trần, để thấy biết như thật sự phát sinh các pháp ,để thấy biết như thật Thực tại của mỗi người bao gồm Cái biết ( Tâm biết ) và Cái được biết đều do sáu Căn và sáu Trần tiếp xúc mà phát sinh ra. Cái biết ( Tâm biết ) và Cái được biết đều là Tâm, đều Vô thường, Vô ngã chứ không phải là Cảnh, không phải là Sắc Thanh Hương vị Xúc Pháp trần bên ngoài, không phải là Thế giới.

Vì không giác ngộ Lý Duyên khởi nơi sáu Căn tiếp xúc sáu Trần nên kẻ phàm phu lầm chấp Thực tại là Thế giới Sắc Thanh Hương Vị Xúc Pháp trần bên ngoài, không phân biệt được Thực tại của mỗi người với Thế gới, nên lầm chấp các pháp là Thường hằng và Hữu ngã rồi trôi lăn theo vọng tưởng đó.

Chừng nào chưa giác ngộ Lý Duyên khởi thì chừng đó còn xoay quanh Bản ngã và Thế giới nghĩa là Tâm biết là Bản ngã và Đối tượng được biết là Thế giới thì các pháp là Thường hằng và Hữu ngã và như vậy sẽ lầm chấp các pháp là Thường Có hoặc Không Có( chấp Có, chấp Không), chứ không thể nào liễu tri các pháp, thấy biết như thật các pháp Vô thường, Vô ngã được.

Chính vì lý do này mà Đức Phật khẳng định : Ai thấy Duyên khởi là thấy Pháp, ai thấy Pháp là thấy Ta.

Để lại một bình luận