LÀM SAO ĐỂ CÓ ĐỘC LẬP, TỰ DO VÀ HẠNH PHÚC?

LÀM SAO ĐỂ CÓ ĐỘC LẬP, TỰ DO VÀ HẠNH PHÚC
“Tôi muốn tự do. Tôi muốn được giải phóng. Tôi không biết mình bị mắc kẹt ở đâu nhưng tôi cảm thấy bị mắc kẹt. Không có gì trong cuộc sống khiến tôi thoải mái. Tôi cảm thấy bị tù túng và ngột ngạt. Tôi muốn được tự do.”
 Trích lời tự sự của nhân vật Yeom Mi Jung trong phim ‘Nhật ký tự do của tôi’
Bạn có từng trải qua những tâm trạng tương tự:
  • cảm thấy bị mắc kẹt nhưng không biết mình bị mắc kẹt ở đâu?!
  • cảm thấy bị tù túng, muốn được tự do nhưng không biết làm thế nào?!
  • cảm thấy luôn ‘bất bình’ với thế giới, bất mãn với cuộc sống nhưng không biết làm sao để thoát ra?!
Hẳn là không chỉ riêng bạn mà mỗi người chúng ta trong đời sống này dù ít dù nhiều đều có lúc cảm thấy bị mắc kẹt, bị tù túng, ngột ngạt và bất mãn như vậy. Và trong thẳm sâu tâm thức của nhân loại, ai ai cũng khát khao tìm cầu, hướng đến một cuộc sống độc lập, tự do, hạnh phúc, dù là trên bình diện cá nhân hay gia đình, quốc gia, xã hội.
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc, ta nghe hoài rồi, nhưng đã có mấy ai thực sự hiểu thấu thế nào là độc lập, tự do, hạnh phúc đích thực? Có cách nào để mỗi cá nhân đạt được những giá trị sống đó một cách trọn vẹn, viên mãn và bền vững không?
Nhân loại đã, đang và luôn đi tìm kiếm câu trả lời cho những trăn trở thiết thực đó. Thật may mắn là từ hơn 26 thế kỷ trước, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã khám phá ra căn nguyên, gốc rễ của những tù túng, mắc kẹt, phiền não luôn giam hãm, bủa vây con người. Từ đó Ngài chứng ngộ được trạng thái độc lập – tự do – hạnh phúc đích thực và đạt đến mục đích tối hậu của cuộc đời là sống tự do, hạnh phúc một cách trọn vẹn, viên mãn. Không những thế, Ngài còn chỉ dẫn, truyền dạy lại cho nhân loại cách thức đạt đến những giá trị sống cốt lõi đó ngay trong từng giây phút hiện tại của đời sống này, mà không hề tốn kém, nhọc công, phí sức.
Nghe thật kỳ diệu phải không! Vậy cụ thể Đức Phật đã chứng ngộ và giảng dạy như thế nào?
Ngài đã chỉ ra sự mắc kẹt nơi mỗi người là ở hiểu biết sai sự thật về thế giới thực tại, về những gì mà con người thấy, nghe, cảm nhận, đưa đến sự ràng buộc, dính mắc, lệ thuộc vào những đối tượng đó. Thực chất là chúng ta bị trói buộc, mắc kẹt vào chính tư tưởng, suy nghĩ của chính chúng ta.
Bị kẹt ở đâu, cởi ra tại đó. Ràng buộc tù túng hay tự do giải thoát đều nằm ở tư tưởng, nơi tâm. Đức Phật đã khám phá và chứng ngộ: độc lập, tự do, hạnh phúc đích thực chỉ xảy ra nơi nội tâm của mỗi người, chứ không ở nơi hoàn cảnh thế giới bên ngoài. Cách thức đạt đến những giá trị đó là THAY ĐỔI NỘI TÂM chứ không phải thay đổi hoàn cảnh.
Nhưng không thể nói suông, tư duy suông, lý luận suông mà được. Vậy muốn thay đổi nội tâm, giải phóng tư tưởng, đạt đến độc lập, tự do, hạnh phúc đích thực phải làm cách nào?
Bằng cách tu tập Bát Chánh Đạo theo lộ trình Văn – Tư – Tu mà Đức Phật đã dày công thuyết giảng để đưa đến lộ trình tâm có ĐỊNH và TUỆ, kinh nghiệm được Tâm giải thoát và Tuệ giải thoát. Cụ thể là thực hành Tứ Niệm Xứ – rèn luyện trí nhớ nhớ đến tích cực chú tâm quán sát Thân, Thọ, Tâm, Pháp.
  • Khi tu tập Định (quán Thân): thực hành rèn luyện kỹ năng chú tâm liên tục cảm giác toàn thân, sẽ đưa đến trạng thái tâm Tích cực – Vui – Thoải mái, có thể giúp con người chấm dứt đến 80% những suy nghĩ linh tinh, vô bổ đưa đến căng thẳng, phiền não, bất mãn.
  • Khi tu tập Tuệ (quán Thọ, Tâm, Pháp): thực hành quán sát sự thật thực tại để đưa đến TRÍ TUỆ – hiểu biết như thật về thế giới thực tại, về mục đích cuộc sống, về cách sống, về hạnh phúc và khổ đau, về tự do và ràng buộc… Từ đó con người có thể định nghĩa lại các giá trị sống về độc lập – tự do – hạnh phúc, định hướng lại cuộc đời theo HIỂU BIẾT ĐÚNG SỰ THẬT đó và thay đổi TÂM để đạt đến những giá trị sống mà nhân loại hằng mong ước.
Cách học và hành như vậy sẽ giúp con người kinh nghiệm được thế nào là độc lập, tự do, hạnh phúc đích thực:
  • ĐỘC LẬP: là không có dính mắc, ràng buộc với những đối tượng được thấy, nghe, cảm nhận, nhận thức – thực chất là cảm giác, là tâm chứ không phải thế giới ngoại cảnh.
  • TỰ DO: là giải thoát khỏi sự trói buộc của những tư tưởng vô minh và chấp ngã (hiểu biết không đúng sự thật), của dòng suy nghĩ linh tinh không dứt đưa đến bất mãn, căng thẳng, phiền não, tù túng.
  • HẠNH PHÚC: là tâm trạng Tích cực – Vui – Thoải mái, niềm hạnh phúc phát sinh từ thẳm sâu nội tâm khi có sự chú tâm liên tục cảm giác toàn thân.
Sự thành tựu các giá trị sống này phụ thuộc vào tư chất và nỗ lực của từng cá nhân trong quá trình Văn – Tư – Tu theo Giáo Pháp của Đức Phật. Nếu thực hành đúng theo lời dạy của Ngài, con người ta hoàn toàn có thể gặt hái được ba giá trị quý giá nhất trong cuộc đời ngay bây giờ và tại đây, nơi chính tấm thân mỗi người, mà lại không hề tốn kém, phí sức, mệt nhọc, không phụ thuộc vào ngoại cảnh.
Gosinga hoan hỉ đến với những ai đang tha thiết đạt được những giá trị sống đó, thông qua các khóa tu học 9 ngày miên mật với đầy đủ nội dung lý thuyết và thực hành về Giáo Pháp mà Đức Phật đã chứng ngộ và khéo léo thuyết giảng. Mời bạn tham gia ngay để tự mình thân chứng, trải nghiệm sự độc lập, tự do và hạnh phúc đích thực, để không còn bị cảm thấy mắc kẹt, tù túng, bất mãn như những trăn trở của cô gái trẻ Yeom Mi Jung nữa!
Tác giả Đinh Hương

Để lại một bình luận