Trong Tương Ưng Bộ Kinh, tập 4, Chương Một : Tương Ưng Sáu Xứ, Phẩm Bệnh mô tả Đức Phật thăm hỏi một Tỷ kheo bị bệnh nặng. Đây là trích đoạn của bản kinh đó :
10 – Này Tỷ kheo, nếu đối với Giới của mình, Ông không có gì để khiển trách, để hối hận, thời này Tỷ kheo, Ông cũng có nghi ngờ đối với một vấn đề gì đó, cũng có hối hận về một vấn đề gì đó.
– Bạch Thế Tôn, con không hiểu pháp Thế Tôn dạy về mục đích TRÌ GIỚI THANH TỊNH.
11- Này Tỷ kheo, nếu Ông không hiểu pháp Ta dạy về mục đích trì giới thanh tịnh, vậy Ông hiểu pháp Ta dạy như thế nào ?
– Bạch Thế Tôn, con hiểu pháp do Thế Tôn dạy là Tham và Đoạn Tham.
12 – Lành thay, lành thay, này Tỷ kheo! Lành thay, này Tỷ kheo ! Ông hiểu pháp ta dạy là Tham và Đoạn tham. VỚI MỤC ĐÍCH TUỆ TRI THAM VÀ ĐOẠN THAM, này Tỷ kheo, là pháp Ta dạy.
Đức Phật đã tán thán vị Tỷ kheo hiểu pháp ngài dạy là Tham và Đoạn tham
Đức Phật đã tán thán vị Tỷ kheo đó những hai lần bởi Tỷ kheo đó đã hiểu đúng mục đích Giáo Pháp là Tuệ tri Tham và Đoạn Tham chứ không phải là Trì giới thanh tịnh.
Mục đích Giáo Pháp mà Đức Thế Tôn đã chứng ngộ và thuyết giảng là Tuệ tri Tham và Đoạn Tham nghĩa là gì ?
- Nghĩa là Hiểu biết đúng như thật Tham ( Dục ái, Hữu ái, Phi Hữu ái ) là Nguyên nhân Khổ, Đoạn trừ Tham là Đoạn trừ Khổ.
- Và để Đoạn trừ Tham thì phải tu tập Bát Chánh Đạo hay Con đường Đoạn trừ Tham là Bát Chánh Đạo.
Mục đích Giáo Pháp mà Đức Thế Tôn đã chứng ngộ và thuyết giảng không phải ai cũng hiểu được. Ngay thời Phật tại thế đã lan tràn xu hướng hiểu mục đích của Giáo Pháp là Trì Giới để được thanh tịnh giải thoát, nên vị Tỷ kheo này đã bị ảnh hưởng, vì vậy đã khởi lên thắc mắc về mục đích giáo pháp.
Hiểu được mục đích Giáo Pháp là Tuệ tri Tham và Đoạn Tham là điều không phải dễ dàng và NHỚ ĐƯỢC ( Chánh Niệm ) mục đích Giáo Pháp là Tuệ tri Tham và Đoạn Tham thì lại càng nan giải hơn. Vì sao vậy ? Tại vì nhân loại này đã có hiểu biết về Khổ, Nguyên nhân Khổ, Sự chấm dứt Khổ và Con đường Chấm dứt Khổ ( Khổ Tập Diệt Đạo ) rồi và đã MẶC ĐỊNH rằng nó thuộc về Thế giới ngoại cảnh.
Nhân loại hiểu biết Khổ Tập Diệt Đạo thuộc về Thới giới ngoại cảnh
Cụ thể Khổ là những hoàn cảnh khó khăn tồi tệ của cuộc sống như nghèo khó, lạc hậu, bệnh tật, thất bại, bị áp bức bất công, bị thiên tai lũ lụt … Nguyên nhân Khổ là từ những hoàn cảnh khó khăn tồi tệ đó mà đến với con người. Vì vậy, khi con người cảm nhận khổ thì oán trời trách đất, đỗ lỗi, trách cứ, oán hận người này người kia …
Sự chấm dứt Khổ là có được hạnh phúc khi làm chủ, sở hữu được những hoàn cảnh tốt đẹp như Sắc đẹp, Tiếng hay, Hương thơm, Vị ngon, Xúc chạm êm ái… Và đương nhiên Con đường chấm dứt Khổ là thay đổi hoàn cảnh sống từ hoàn cảnh khó khăn tồi tệ sang giàu có, tân tiến, tiện nghi, sức khỏe, thành đạt, danh tiếng …
Hiểu biết về Khổ Tập Diệt Đạo thuộc về Thế giới ngoại cảnh như vậy đang chi phối đời sống nhân loại và hiểu biết đó KHÔNG ĐÚNG SỰ THẬT, thuật ngữ Phật học gọi là VÔ MINH, TÀ KIẾN nhưng nhân loại lại mặc định hiểu biết như vậy là đúng sự thật, là chân lý.
Chính vì đã mặc định hiểu biết đó đúng sự thật, là chân lý nên rất ít người hiểu được đúng sự thật về Khổ Tập Diệt Đạo do Đức Thế Tôn chứng ngộ và thuyết giảng là THUỘC VỀ NỘI TÂM chứ không thuộc về Thế giới ngoại cảnh, và vì vậy có rất ít người hiểu biết đúng và ghi nhớ được mục đích giáo pháp là Tuệ tri Tham và Đoạn Tham.
Đa phần người học Phật tuy có được nghe giảng Nguyên nhân Khổ là Tham Sân Si ( Sân Si là các “biến thể” của Tham ) nhưng nghe tai này lại ra tai kia và không nhớ được điều đã học vì hiểu biết Nguyên nhân Khổ là do hoàn cảnh sống đã được học tập, đã tích lũy, đã mặc định từ vô thủy kiếp, đã được lưu giữ vững chắc trong bộ nhớ tâm thức nên Trí nhớ ( Tà niệm ) thường xuyên nhớ về điều đó.
Sự vận hành như vậy đã tạo thành một “lập trình” ( một phần mền ) cài đặt vững chắc trong bộ nhớ tâm thức. Vì vậy, khi cảm nhận khổ xong là cái “lập trình” đó chạy ngay và đưa đến hiểu biết nguyên nhân của cái khổ này là do thế giới ngoại cảnh và họ sẽ giải thích mọi hiện tượng của đời sống, mọi cách thức tu hành trong Phật giáo bằng kiến thức vô minh, sai lạc đó.
Nhận thức Khổ và Chấm dứt Khổ theo Duy vật và Duy tâm
Con người nhận thức Khổ và Chấm dứt Khổ đều do hoàn cảnh sống, đều thuộc về thế giới ngoại cảnh nhưng những nhận thức đó cũng phân loại theo hai quan điểm Duy vật và Duy tâm.
Duy vật
– Quan điểm Duy vật quan niệm con người khổ vì thế giới nghèo nàn lạc hậu. Và do con người chưa hiểu biết đầy đủ về thế giới nên chưa cải tạo được thế giới theo ý muốn của mình.
Chừng nào con người hiểu biết đầy đủ, hiểu biết tường tận về thế giới, lúc đó con người sẽ làm chủ được thế giới, điều khiển được thế giới, cải tạo thế giới theo ý muốn, biến đổi thế giới nghèo nàn lạc hậu tăm tối thành một thế giới văn minh, hiện đại, giàu có và đó là lúc con người hết khổ, Chấm dứt Khổ.
Chính vì quan điểm Duy vật đó mà nhân loại đặc biệt là khoa học đang nỗ lực khám phá để thay đổi thế giới. Mỗi mỗi người đang nỗ lực học hỏi, trau dồi kiến thức, học tập các kỹ năng nghề nghiệp để thay đổi hoàn cảnh sống của mình, thay đổi thế giới, để Chấm dứt Khổ.
Duy tâm
– Quan điểm Duy tâm cũng quan niệm Sướng Khổ đều thuộc về thế giới vật chất này nhưng thế giới vật chất này lại bị chi phối bởi thế giới tâm linh và vì vậy Khổ đau và Hạnh phúc của con người là do Thế giới tâm linh quyết định, là sự thưởng phạt của thế giới tâm linh.
Sự thuyết minh về thế giới tâm linh quyết định khổ đau và hạnh phúc của con người một cách thô thiển hay vi tế tuỳ thuộc vào các trường phái tôn giáo Duy tâm khác nhau.
Tôn giáo Tây phương
Các tôn giáo Tây phương thì quan niệm thế giới do Thượng đế hay Đức Chúa Trời sáng tạo ra và Khổ đau mà con người phải chịu đựng là do Chúa trừng phạt tội ăn trái cấm của Adam và Eve khi Chúa tạo ra loài người.
Vì vậy, phải cầu nguyện Chúa để khi con người chết đi, Chúa sẽ cho vào thiên đàng và tại đó sẽ Chấm dứt Khổ. Các tín ngưỡng dân gian thì quan niệm Khổ đau hay Hạnh phúc ( Chấm dứt Khổ ) là do phúc đức của tổ tiên để lại, do linh hồn của tổ tiên phù hộ, do một bà tổ cô nào đó ban phát cho con cháu.
Vì vậy, nên phải giỗ chạp linh đình, xây dựng lăng mộ hoành tráng, đốt vàng mã tiền bạc để làm vừa lòng người thân ở cõi âm. Phải gọi hồn để biết người âm có trách mắng, có không hài lòng về chuyện gì không để mà biết cách làm vừa lòng cõi âm. Cuộc sống gia đình có yên ấm hạnh phúc hay xung đột tan nát đều do sự tác động của cõi âm.
Tín đồ Phật giáo
Đa phần tín đồ Phật Giáo thì quan niệm Khổ trong kiếp sống này là do Nghiệp đã tạo tác trong kiếp trước. Vì vậy, muốn hết khổ thì phải tu để trả cho hết nghiệp, để tạo các phước báu cho tương lai. Khổ là do thiếu phước nên phải bố thí, cúng dường để tạo phước cho đời sau, cho tương lai được giàu có, hạnh phúc, để hết khổ.
Vì khổ do đời trước có sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượi nên đời này khổ, vì vậy bây giờ tu phải phóng sanh, phải giữ giới để đời sau hết khổ. Vì đời trước đã gây oan gia trái chủ nên khổ đau vậy nên, để hết khổ phải thỉnh oan gia trái chủ để trả nợ, trả nghiệp mới hết khổ được.
Sự thật Khổ và Nguyên nhân Khổ là thuộc nội tâm
Chỉ có người trí sau khi nghe giảng hoặc tự mình nghiên cứu kinh điển có được hiểu biết đúng như thật về Khổ và Nguyên nhân Khổ là thuộc nội tâm, thuộc về lộ trình tâm Bát Tà Đạo, chứ không phải thuộc về thế giới ngoại cảnh.
Sự chấm dứt Khổ xẩy ra trên lộ trình tâm Bát Chánh Đạo cũng thuộc nội tâm chứ không xẩy ra nơi thế giới ngoại cảnh, nên Con đường chấm dứt Khổ là Bát Chánh Đạo tức là thay đổi nội tâm chứ không phải thay đổi thế giới ngoại cảnh.
Một cách tóm tắt : Nguyên nhân Khổ là Tham Sân Si; Muốn Chấm dứt Khổ phải chấm dứt Tham Sân Si bằng cách thực hành Bát Chánh Đạo. Khi đã có hiểu biết đúng như thật ( Chánh Kiến ) về Khổ Tập Diệt Đạo do nghe và tư duy ( Văn tuệ và Tư tuệ ) người đó tu tập Bát Chánh Đạo và thân chứng được Khổ diệt ( Diệt đế ) và Con đường Khổ diệt ( Đạo đế – Bát Chánh Đạo ).
Sự thân chứng Diệt đế và Đạo đế ngày càng phát triển toàn diện, sâu sắc và viên mãn sẽ xoá bỏ được những hiểu biết sai lạc, vô minh ( Tà Kiến ) về Khổ Tập Diệt Đạo. Lúc đó mới hiểu ra rằng, trong quá khứ có tạo nghiệp như thế nào nhưng bây giờ tu tập Bát Chánh Đạo thì ngay bây giờ và tại đây thân chứng được không có Tham Sân Si, thân chứng được Chấm dứt Khổ.
Cho dù quá khứ có tạo tội như Angumila đã giết gần cả ngàn người thì khi gặp Phật do nghe và hiểu lời Phật dạy nên chỉ tu tập Bát Chánh Đạo một vài năm là đã đoạn tận khổ, chấm dứt luân hồi, trở thành một vị Alahan đâu cần phải hàng ngày sám hối nghiệp chướng của tiền kiếp quá khứ ( không truy tìm quá khứ ) đâu phải thỉnh oan gia trái chủ.
Một người cho dù trong các tiền kiếp quá khứ đã làm các thiện sự lớn như nước bốn biển cộng lại mà bây giờ không tu tập Bát Chánh Đạo thì ngay trong hiện tại, bây giờ và ở đây cho dù đang làm các thiện sự nhưng với tâm Bát Tà Đạo có tham, có sân, có si thì vẩn khổ, vẩn trôi lăn trong sinh tử luân hồi mà thôi.
Chỉ khi nào thân chứng được mục đích Giáo pháp là Tuệ tri Tham và Đoạn Tham, kể từ lúc đó, người đó chỉ có giảng dạy, phân tích chỉ dẫn, khuyến khích, đặt người khác vào địa vị Tuệ tri Tham và Đoạn Tham mà thôi.
Bát Chánh Đạo phương thuốc duy nhất CHỮA LÀNH BỆNH KHỔ
Do thân chứng SỰ THẬT về Khổ Tập Diệt Đạo người trí tự mình thấy, tự mình biết ( không còn phải y cứ vào bậc đạo sư ) chỉ có Bát Chánh Đạo mới đoạn tận Tham Sân Si, mới đoạn tận Khổ, là phương thuốc duy nhất CHỮA LÀNH BỆNH KHỔ còn mọi phương pháp khác của thế gian, của khoa học, của các tôn giáo khác kể cả các pháp môn trong Đạo Phật được người sau thêm thắt vào kinh điển sau này cũng chỉ là THUỐC GIẢM ĐAU, không thể chữa lành bệnh khổ.
Người có trí tuệ phân biệt rõ ràng THUỐC GIẢM ĐAU và THUỐC CHỮA BỆNH KHỔ đôi lúc cần phải sử dụng thuốc giảm đau nhưng không để cho người sử dụng mê lầm về nó, xem nó là cứu cánh.
Người đó sẽ không ca ngợi, khuyến khích người tu dành trọn đời tu để tìm kiếm Phước báo, để thành Phật, để giống Phật trong việc phóng sinh, làm từ thiện, chữa bệnh cho nhân gian, giúp người nghèo khó cơ nhở, sám hối tội lỗi các tiền kiếp, thỉnh oan gia trái chủ, cúng bái … Vì sao ? Vì đó chỉ là liều thuốc giảm đau, chỉ đổi cái khổ này lấy cái khổ khác chứ không thể chấm dứt, đoạn tận được khổ, vì chỉ có thực hành Bát Chánh Đạo để đoạn trừ Tham Sân Si mới Chấm dứt Khổ, Đoạn tận Khổ.
Thực hành theo lộ trình VĂN TƯ TU
Khi đã Tuệ tri mục đích của Giáo Pháp là Tuệ tri Tham và Đoạn Tham thì cũng Tuệ tri : để đạt được điều đó phải thực hành tuần tự theo lộ trình Văn – Tư – Tu.
- Trong đó Văn là Nghe giảng,
- Tư là Tư duy để có hiểu biết đúng như thật về Khổ Tập Diệt Đạo tức để có Trí tuệ do Nghe và Tư duy ( Văn tuệ và Tư tuệ ) và
- Tu là thực hành Bát Chánh Đạo để thân chứng 3 chi phần căn bản là Chánh niệm – Chánh định – Chánh kiến mà gọi tắt là Niệm – Định – Tuệ để có được Trí tuệ do tu mà có ( Tu tuệ ).
Khi Văn tuệ, Tư tuệ, Tu tuệ được tu tập, được phát triển đi đến viên mãn tức CHÁNH KIẾN được tu tập, được làm cho viên mãn thì người đó cũng cũng thân chứng được Lời nói, Hành động, Nuôi mạng ( thuộc về Giới ) cũng thay đổi theo, không do Tham Sân Si khởi lên như trước mà do Chánh kiến khởi lên, không có Tham Sân Si và đó là Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng hoàn toàn thanh tịnh.
Vì vậy, GIỚI GỒM CHÁNH NGỮ, CHÁNH NGHIỆP, CHÁNH MẠNG sẽ tự thanh tịnh, sẽ tự động khởi lên trên Bát Chánh Đạo, vì Giới là kết quả của Chánh niệm – Chánh định – Chánh kiến. Khi đã Tuệ tri Tham và Đoạn Tham thì Giới đã thanh tịnh, đầy đủ nên mục đích của Giáo Pháp không phải là Trì Giới thanh tịnh.
Tà kiến phủ nhận lộ trình Văn Tư Tu
Những người không thực hành theo đúng lộ trình Văn – Tư – Tu, không có được Văn tuệ, Tư tuệ, Tu tuệ không có Chánh kiến để Tuệ tri mục đích Giáo pháp là Tuệ tri Tham và Đoạn Tham họ sẽ chấp thủ đủ loại Tà kiến khác nhau.
Thiền tông Trung hoa đã công khai phủ nhận lộ trình Văn – Tư Tu
Điển hình như phái Thiền tông Trung hoa chủ trương : “Giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, dĩ tâm truyền tâm, kiến tánh thành Phât” nghĩa là không cần đến lời Phật dạy, không cần kinh điển ( không cần Văn, không cần Tư ) mà chỉ thầy truyền cho trò qua truyền tâm ấn, dùng tâm truyền tâm ( không cần Tu ).
Tôn chỉ đó của Thiền tông Trung hoa đã công khai phủ nhận lộ trình Văn – Tư Tu. Hoặc đa phần hiện nay hiểu mục đích Giáo pháp là Trì giới thanh tịnh theo lộ trình : Giới là nhân sanh Định và Định là nhân sanh Tuệ. Nghĩa là chỉ cần Trì giới cho đầy đủ các điều luật đã chế trong Tạng Luật thì sẽ phát sanh Định và Định này sẽ là nhân phát sanh Tuệ, phát sinh Chánh kiến.
Và như vậy đâu phải cần Văn – Tư – Tu để có Trí tuệ. Đó cũng chính là phủ nhận lộ trình Văn – Tư -Tu. Những người chấp thủ Tà kiến đó họ sẽ giữ gìn các điều luật trong Tạng Luật nhưng với Tà kiến không phải với Chánh kiến, họ không học ( Văn ), không tư duy ( Tư ) để biết đúng sự thật, Đức Phật chế ra các điều luật đó với mục đích gì, trong những điều kiện nào, nhằm đối trị cái gì, nhằm ngăn chặn tệ nạn nào trong tương lai.
Họ có thể ăn ngày một bữa, ngủ nơi gốc cây, ngủ trên sàn nhà, nữa tháng mới tắm một lần, chỉ ba y một bát, không giây phút nào xa rời ba y, không thọ nhận tiền bạc … thậm chí giữ gìn đầy đủ không phạm một điều luật nào mà Tạng Luật đã quy định nhưng giữ giới như vậy với Tà kiến với Tham và Sân ( sợ hãi bị đọa ), bằng cách ức chế tâm.
Giới không thể sinh Định và Tuệ
Kết quả xẩy ra là họ có thể đạt Tà Định chứ không phải Chánh Định, đạt được Tà Kiến chứ không phải Chánh Kiến. Nếu giữ giới như vậy và do có Giới như vậy mà phát sinh Định và do có Định mà phát sinh Tuệ thì trên dãy Hy mã lạp sơn từ xa xưa cho đến hiện nay có cả ngàn vạn đạo sĩ xứ Ấn loã thể hoặc gần loã thể họ đã có Định, có Tuệ, có Giác ngộ và Giải thoát rồi.
Những đạo sĩ đó đã từ bỏ cuộc sống thế tục, sống loã thể trong dãy Hy mã lạp sơn, không phải ăn ngày một bữa mà có khi bảy ngày hay nữa tháng mới ăn một bữa, không phải họ ăn cơm của đàn na tín thí để còn phải mắc nợ mà họ ăn cỏ, ăn vỏ cây…, không phải 3 y mà chẳng có y nào, không phải ngủ trên giường mà trên nền đá lạnh… họ xa lánh hoàn toàn mọi niềm vui, lạc thú thế gian.
Đối với họ 227 điều luật trong Tạng Luật của Phật giáo Nam tông chỉ là chuyện nhỏ nhưng mặc dù giữ gìn giới luật đầy đủ như vậy nhưng họ đâu có Chánh Định, Chánh Kiến để Giác ngộ và Giải thoát, họ vẩn chỉ rơi vào một trong hai cực đoan là Tham ái lợi dưỡng hoặc Khổ hạnh mà Đức Phật đã chỉ rõ mà thôi.
Thiền Sư Nguyên Tuệ