TRUNG ĐẠO – CHẤM DỨT HAI CỰC ĐOAN

TRUNG ĐẠO CHẤM DỨT HAI CỰC ĐOAN

Trong nhận thức hay hiểu biết của đa phần nhân loại đều đồng thời tồn tại hai mặt đối lập, mâu thuẫn và do vậy mà hình thành và tồn tại hai cực đoạn đối lập nhau. Hai cực đoan, hai nhận thức mâu thuẫn, đối kháng nhau dễ thấy nhất đã được Đức Phật tuyên bố trong lần đầu thuyết pháp ở bài kinh Chuyển Pháp luân. Hai cực đoan đó là nhận thức, là chủ trương của nhân loại đối với vấn đề Hạnh phúc và Khổ đau hay nói gọn là SƯỚNG VÀ KHỔ.

* Cực đoan thứ nhất là : TÌM SƯỚNG TRỐN KHỔ.

Đây là cách sống chi phối đa phần nhân loại mà kinh Chuyển Pháp Luân gọi là cực đoan Tham ái lợi dưỡng. Do chủ trương Tìm Sướng Trốn Khổ chi phối nên đa phần nhân loại ca tụng tán thán những ai giàu có, xinh đẹp, thành công, nổi tiếng, chê bai khinh miệt những ai nghèo khổ, xấu xí, thất bại.

* Cực đoan thứ hai là : TÌM KHỔ TRỐN SƯỚNG.

Đây là chủ trương xuất phát từ một số tôn giáo mà đặc biệt là các trường phái tôn giáo cổ xưa của Ấn độ còn tồn tại đến ngày nay. Các tôn giáo này nhận thức linh hồn bị dạy dọa trong luân hồi là do được sống sung sướng trong thân xác khi thân xác hưởng thụ sung sướng, nên khi thân xác tan rã sẽ tìm một thân xác khác để đầu thai thọ hưởng. Vậy để linh hồn được giải thoát, để tận hưởng hạnh phúc giải thoát kỳ diệu khi không còn bị giam hãm trong thân xác thì phải tu khổ hạnh, phải TÌM KHỔ TRỐN VUI, phải đầy dọa thân xác cho nó tàn tạ, te tua, khổ sở để linh hồn không còn thích thú cái thể xác bị đày đọa, bị khổ sở, tả tời này nữa. Và do vậy mà khi thân thể tan rã, linh hồn chán ghét thể xác không còn tìm thân xác khác đầu thai thì sẽ giải thoát, sẽ tiêu diêu tự tại, không còn bị giam hãm, bị hạn cuộc trong thân xác nữa.

Các trường phái tôn giáo Ấn độ cổ xưa cho đến nay đều thực hành khổ hạnh càng khốc liệt bao nhiêu thì càng được ca ngợi tán thán bấy nhiêu. Ngày nay trên các phương tiện thông tin đại chúng người ta biết đến ngàn vạn người đang hành khổ hạnh trên dãy Hy mã lạp sơn, biết đến hội chúng đông đảo lõa thể tu khổ hạnh không mặc quần áo, không sở hữu bất kỳ một đồ vật nào kể cả một cái ca để uống nước…

Đương nhiên chủ trương khổ hạnh cũng ảnh hưởng đến những người không tu hành vì họ bị nhồi sọ bởi các tư tưởng tôn giáo đó. Do họ thấy khổ hạnh, chịu đựng khổ khốc liệt là việc khó làm, họ không làm nổi nên họ tán thán, ca tụng những người chịu đựng được khổ càng nhiều càng vĩ đại.

Chủ trương TÌM SƯỚNG TRỐN KHỔ hay TÌM KHỔ TRỐN SƯỚNG điều xuất phát từ nhận thức, từ hiểu biết sai sự thật về Khổ và Nguyên nhân Khổ. Nghĩa là cho rằng SƯỚNG và KHỔ đều là hoàn cảnh sống, do hoàn cảnh sống là thế giới vật chất mà đến với con người. Vì vậy, Tìm Sướng Trốn Khổ hay Tìm Khổ Trốn Sướng chỉ là THAY ĐỔI HOÀN CẢNH SỐNG và kết quả là CHỈ ĐỔI KHỔ NÀY LẤY KHỔ KHÁC, không thể chấm dứt khổ.

Con đường Trung đạo ly 2 cực đoan

Đức Phật là một người có một không hai, đã tự mình Tuệ tri sự thật này và đã tự mình khám phá ra con đường đoạn tận khổ đau. Đó chính là Bát Chánh Đạo, là con đường TRUNG ĐẠO, con đường LY HAI CỰC ĐOAN Tìm Sướng Trốn Khổ hay Tìm Khổ Trốn Sướng.

Bát Chánh đạo là con đường tám Chánh gồm : Chánh niệm – Chánh tinh tấn – Chánh định – Chánh tư duy – Chánh tri kiến – Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng là con đường đoạn tận Tham Sân Si. Vì đoạn tận Tham và Si nên không còn đi tìm Sướng, tìm Khổ vì đoạn tận Sân nên không còn trốn Sướng, trốn Khổ. Vị ấy sống tự do, tự tại, thích nghi với mọi hoàn cảnh sống ở đâu, dù sướng hay khổ, không đi tìm sướng tìm khổ. Vị ấy vẫn có thể sống với sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon, xúc chạm êm ái nhưng không tham ái nên không bị chỉ phối, không bị ràng buộc. Vị ấy vẫn sống với những hoàn cảnh khó khăn, những khổ thọ khốc liệt nhưng không sân hận nên không bị chi phối, không ràng buộc. Vị ấy “rong chơi” trong cuộc đời “Sướng Khổ” thế gian mà tâm vắng lặng vui buồn, độc lập không ràng buộc, giải thoát không hệ lụy.

Tác giả: Thiền sư Nguyên Tuệ

Trả lời