CHÁNH ĐỊNH LÀ GÌ? Sự khác nhau giữa Chánh Định và Tà định

Chánh định và Tà định

1. GIỚI THIỆU VỀ CHÁNH ĐỊNH

Chánh định là trạng thái tâm phát sinh khi có sự CHÚ TÂM LIÊN TỤC từ đối tượng này đến đối tượng khác, cho dù là đối tượng dễ chịu, khó chịu hay trung tính.

Sự chú tâm liên tục này bao gồm hai loại chú tâm: CHÚ TÂM CÓ TẦM CÓ TỨ và CHÚ TÂM KHÔNG TẦM KHÔNG TỨ.

  • Chú Tâm Có Tầm Có Tứ: là sự chú tâm có hướng đến đối tượng và có duy trì sự chú tâm trên đối tượng đó (“tầm”: hướng đến đối tượng; “tứ”: duy trì trên đối tượng).
  • Chú Tâm Không Tầm Không Tứ: là sự chú tâm không hướng đến bất kỳ một đối tượng nào và cũng không duy trì sự chú tâm trên bất kỳ đối tượng nào. Đây là sự chú tâm TỰ ĐỘNG XẨY RA từ đối tượng sinh diệt này sang đối tượng sinh diệt khác.

Chánh định và Tà định

Chánh định có 4 mức độ gồm: Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền và Tứ thiền:

1.1 – Sơ thiền

– Có cả 2 loại chú tâm: Chú tâm có tầm có tứ và chú tâm không tầm không tứ.
– Có cảm giác vui nhè nhẹ thỉnh thoảng khởi lên nơi nội tâm (thuật ngữ Phật học gọi là “Hỷ”)
– Có cảm giác thoải mái, không căng thẳng, gò bó, mệt mỏi trên thân (thuật ngữ Phật học gọi là “Lạc”)

1.2 – Nhị thiền

– Chỉ có một loại chú tâm duy nhất là không tầm không tứ.

– Có Hỷ rất mạnh. Có thể muốn cười lên, có thể nổi da gà, có thể có những luồng rân rân chạy dọc đùi, sống lưng, hay xoáy trên đầu, cảm giác nhẹ bổng như bay lên…
– Có Lạc rất mạnh, không còn bất kỳ một cảm giác khó chịu nào trên thân, không còn đau nhức, không còn cảm giác đau khi hai chân đè lên nhau như trước nữa. Có thể ngồi thoải mái như vậy rất lâu, tuỳ theo ý muốn.

1.3 – Tam thiền

– Chỉ có một loại chú tâm duy nhất là không tầm không tứ.

– Trạng thái Hỷ chấm dứt, tâm bình thản, không vui, không buồn (thuật ngữ Phật học gọi là “Ly hỷ trú xả”)

– Cảm giác Thoải mái, dễ chịu trên thân vẫn có mặt như trạng thái Nhị thiền.

 

1.4 – Tứ thiền

– Chỉ có một loại chú tâm duy nhất là không tầm không tứ.

– Các cảm giác nơi thân nhẹ dần và vi tế, không phải là cảm giác dễ chịu hay khó chịu, nó là các cảm giác Trung tính (thuật ngữ Phật học gọi là “Xả lạc, Xả khổ”)
– Nội tâm vắng lặng cả vui cả buồn (thuật ngữ Phật học gọi là “diệt trừ Hỷ Ưu”)
– Trạng thái tâm vắng lặng cả Hỷ cả Lạc, vắng lặng mọi tư tưởng (thuật ngữ Phật học gọi là “Tâm thanh tịnh nhờ xả”.)
Để hiểu sâu thêm về Chánh Định, quý vị tham khảo bài viết sau: Chánh Định và 4 mức độ Thiền

 

2. Ý NGHĨA, LỢI ÍCH KHI TU TẬP CHÁNH ĐỊNH

Sự tu tập Chánh định mang lại hiện tại lạc trú cho người tu, tức có hỷ lạc của sơ thiền, nhị thiền; có lạc của tam thiền; có xả niệm thanh tịnh của tứ thiền. Đây là hạnh phúc nội tâm, không phải do dục lạc cuộc đời mang đến; hiện tại lạc trú này, niềm vui nội tâm này hoàn toàn vô hại, không phải như dục lạc, niềm vui của cuộc đời “vui ít khổ nhiều, não nhiều mà nguy hiểm lại càng nhiều hơn”.

Có được hiện tại lạc trú, có được niềm vui nội tâm này mới có thể thay thế dục lạc, làm cho người đó không còn chạy theo, không còn bị dục lạc trói buộc. Một vị Thánh đệ tử cho dù đã trở thành vị Nhập lưu nhưng nếu vị đó chưa chứng được sơ thiền hay các tầng thiền cao hơn thì vị đó vẫn bị dục lạc lôi kéo, vẫn bị dục lạc sai sử.

Một người tại gia buổi sáng thức dậy sớm, tọa thiền trong bốn đến năm mươi phút, an trú hiện tại lạc trú của thiền, sau đó bắt đầu đi làm các công việc thì dư âm của hiện tại lạc trú vẫn còn tồn tại. Khi người đó bắt đầu một ngày mới bằng niềm vui nội tâm này, người đó sẽ trở nên độ lượng, đối xử tử tế với mọi người và hoàn tất công việc trong ngày với chất lượng rất cao.

Khi an trú niềm vui nội tâm này người tu mới khởi lên hiểu biết đúng như thật rằng: Dục lạc cuộc đời vui ít khổ nhiều, não nhiều mà nguy hiểm càng nhiều hơn. Vì dục lạc lôi cuốn sai sử mà sầu bi khổ não cay đắng khởi lên. Vì dục lạc lôi cuốn và sai sử mà cha tranh đoạt với con, anh em tranh đoạt với nhau, vợ chồng tranh đoạt với nhau. Vì dục lạc lôi cuốn và sai sử mà có sự tàn sát, tàn hại lẫn nhau, mà có lừa đảo, phá sản, cướp của, hiếp dâm, bức hại lẫn nhau… Lạc của dục lạc thế gian là phàm phu lạc, ô uế lạc, bất tịnh lạc; còn lạc do các bậc thiền mang lại là thánh lạc, chánh giác lạc, an tịnh lạc. Từ sự hiểu biết như thật này, vị ấy mới xa lánh, xả ly, thoát khỏi sự lôi cuốn và sai sử của dục lạc.

Tìm hiểu thêm về Lợi ích của Chánh Định ở bài viết: “Thiền là gì? Hiểu đúng về Thiền do Đức Phật truyền dạy”- mục 3. CÁC LỢI ÍCH CỦA THIỀN DO ĐỨC PHẬT KHÁM PHÁ VÀ TRUYỀN DẠY

 

3. SỰ KHÁC NHAU GIỮA CHÁNH ĐỊNH VÀ TÀ ĐỊNH

Nói đến Thiền là nói đến tu tập sự chú tâm (tu tập Định). Sự chú tâm liên tục khít khao từ đối tượng này đến đối tượng khác làm phát sinh trạng thái Định.

Có 2 loại Định:

(1) Tà Định: trạng thái phát sinh do chú tâm liên tục tập trung vào 1 đối tượng, do thích (THAM)/ghét (SÂN) đối tượng đó mà chú tâm.

(2) Chánh Định: trạng thái phát sinh do chú tâm liên tục không tập trung vào đối tượng nào, đưa đến đoạn trừ tham/sân/si.

 

3.1. Tà Định

Tà Định là trạng thái Định phát sinh do chỉ có một loại chú tâm duy nhất là Chú tâm có Tầm có Tứ. Đa phần các trường phái tu thiền hiện nay chủ trương thực hành duy nhất loại chú tâm này vì chú tâm có tầm có tứ phù hợp với quan điểm buộc tâm vào một đối tượng duy nhất, để đạt được nhất tâm trên một cảnh, để tâm không phóng dật.

Ví như tu Định với biến xứ đất, họ lấy một miếng đất dạt ra và ngồi ngắm miếng đất đó để hình ảnh, màu sắc đó được lưu giữ vào bộ nhớ. Tiếp đến, họ nhắm mắt lại để tưởng ra hình ảnh miếng đất vừa nhìn và chú tâm vào hình ảnh vừa “tưởng ra” đó. Cứ lặp đi lặp lại cách đó suốt ngày đêm, cho đến lúc cái hình ảnh được “tưởng ra” đó vững chắc, không mất đi nữa và tâm an trú vững chắc trên hình ảnh đó thì đạt được trạng thái định. Trạng thái định này xảy ra do chú tâm liên tục vào đối tượng được “tưởng ra” và sự chú tâm đó là chú tâm Có Tầm Có Tứ, nghĩa là chú tâm có hướng đến đối tượng và duy trì sự chú tâm trên đối tượng được tưởng ra, buộc tâm vào đối tượng được tưởng ra.

Nhắm mắt lại và đặt tâm nơi điểm xúc chạm giữa môi trên và hơi thở rồi chú tâm vào đó để quan sát hơi thở vô ra cũng là chú tâm có tầm có tứ trên đối tượng được “tưởng ra”, cũng y như là biến xứ đất, nước, lửa, gió…

Các phương pháp Thiền khác như: Thiền sổ tức (đếm hơi thở), Thiền chú, Thiền năng lượng v.v….cũng tương tự, đều là chú tâm có tầm có tứ, hướng đến và duy trì sự chú tâm trên một đối tượng duy nhất là hơi thở, lời chú, hay các đối tượng khác được tưởng ra.

Vì đa phần các trường phái tu Định đều đã MẶC ĐỊNH là phải buộc tâm vào một cảnh, nhất tâm trên một cảnh, tâm chỉ an trú trên một đối tượng duy nhất nên họ chỉ biết đến duy nhất một loại chú tâm có tầm có tứ, không biết đến, không chấp nhận loại chú tâm không tầm không tứ, không chấp nhận sự tồn tại của Định không tầm không tứ. Trong Tăng Chi Bộ Kinh có tường thuật lại cuộc đối đáp giữa cư sĩ Citta với người đứng đầu giáo phái Ni kiền tử (Kỳ na giáo), ngoại đạo đó đã nói về Đức Phật và Định không tầm không tứ như sau: “Sa môn Gotama là hư ngụy, là dối trá. Sa môn Gotama chủ trương định không tầm không tứ thì có khác gì chủ trương dùng lưới để buộc gió lại giữa hư không, thật là điều không tưởng”.

 

3.2. Chánh Định

Chánh Định là trạng thái Định phát sinh do chú tâm liên tục từ đối tượng này đến đối tượng khác, không tập trung vào đối tượng nào, cho dù là đối tượng dễ chịu, khó chịu hay trung tính. Sự chú tâm liên tục này bao gồm hai loại chú tâm: Chú tâm có tầm có tứ và Chú tâm không tầm không tứ.

Chánh Định là trạng thái Định mà Đức Phật đã chứng ngộ và thuyết giảng, với bốn mức độ khác nhau là Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền và Tứ thiền. Sơ thiền bao gồm cả hai loại chú tâm là chú tâm có tầm có tứ và chú tâm không tầm không tứ, còn các tầng thiền cao hơn thì chỉ có một loại chú tâm là chú tâm không tầm không tứ.

Chánh Định không chú tâm vào một đối tượng duy nhất, không buộc tâm vào một đối tượng duy nhất để nhất tâm trên một cảnh, để tâm không phóng dật vì không hề có một cái tâm nào cố định, cũng không hề có một đối tượng nào cố định để mà buộc nó lại với nhau như vậy, do tâm và các đối tượng đều đang sinh diệt. Chánh Định là sự chú tâm liên tiếp từ đối tượng sinh diệt này sang đối tượng sinh diệt khác.

Trong kinh điển của Phật giáo Nam Tông có định nghĩa Chánh định bao gồm: sơ thiền, nhị thiền, tam thiền và tứ thiền; không liệt kê: không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ và phi tưởng phi phi tưởng xứ vào Chánh định.

Để hiểu sâu thêm về sự khác biệt giữa Chánh Định và Tà Định, quý vị tham khảo bài viết sau: Hiểu đúng và hiểu sai về Chánh Định và “Chánh Định với hai loại chú tâm

4. CÁCH THỰC HÀNH ĐỂ ĐẠT CHÁNH ĐỊNH

Để đạt Chánh Định cần thực hành CHÚ TÂM LIÊN TỤC KHÔNG TẬP TRUNG vào một đối tượng nào, mà cụ thể là chú tâm liên tục Cảm giác toàn thân đan xen với chú tâm các đối tượng khác (bên ngoài).

Thực hành chú tâm ghi nhận liên tục cảm giác toàn thân trong các tư thế đi, đứng, ngồi, nằm chỉ cần NHỚ ĐẾN NGẬM CHẶT RĂNG LƯỠI VÀ NHỚ ĐẾN THỞ RA TỪ TỪ NHÈ NHẸ MỘT CÁCH TỰ NHIÊN.

Xem hướng dẫn chi tiết ở mục 4. HƯỚNG DẪN THỰC HÀNH THIỀN CHO NGƯỜI MỚI bài viết: “Thiền là gì? Hiểu đúng về Thiền do Đức Phật truyền dạy”

 

5. NHỮNG CÂU HỎI THƯỜNG GẶP

5.1. Hỏi về trạng thái Định

HỎI

Thưa sư, con không nghĩ đã đạt được tứ thiền, vì mới thực hành được mấy tháng. Con thở một vài hơi là không còn cảm giác hơi thở nữa, dòng suy nghĩ thẳng băng, trắng xóa, chỉ thấy ở phần ngực thì hân hoan, mặt thì vui nhè nhẹ, đầu thì rỗng rang, nên khi sư dạy phần quán Pháp tư duy về vị ngọt, sự nguy hiểm, hay là tư duy về 2 lộ trình tâm là con không làm được, rất muốn mà không khởi lên được ý. Xin hỏi con có thực tập sai chỗ nào không?

SƯ NGUYÊN TUỆ ĐÁP

Theo như mô tả thì có thể đạt nhị thiền có hỷ có lạc. Muốn khẳng định là Có Chánh định thì phải nhất tâm không còn bị phân tâm, không nhớ đến, nghĩ đến những vấn đề khác ngoài Nhớ đến tích cực chú tâm ghi nhận… và tự mình so sánh trạng thái đó với các tiêu chuẩn đã học về sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền (bài giảng Chánh định và Tà định). Đang an trú Định mà muốn chuyển sang quan Thọ hoặc Tâm, Pháp thì phải tác ý chuyển Niệm, chuyển sang quan sát đối tượng là Cảm giác hay quán tâm, quán pháp.

 

5.2. Hỏi về Lợi ích, Mục đích của tu tập Chánh Định

HỎI

Thưa sư, con mới học, văn tuệ chưa đầy đủ, có thể là sư có dạy rồi nhưng con chưa nhớ được, vậy sư cho con hỏi lại lợi ích của việc đạt các tầng thiền là gì ạ? Có giúp cho đạt giác ngộ không ạ?

SƯ NGUYÊN TUỆ ĐÁP

Đạt các tầng thiền để kinh nghiệm được sự GHI NHẬN thuần túy. Đó là Tỉnh giác và do Tỉnh giác mà không có tham sân si, có Khổ diệt. Thân chứng các tầng thiền là Thân chứng ĐỊNH, thân chứng Tâm giải thoát. Phải thân chứng 2 phần ĐỊNH và TUỆ mới đưa đến giác ngộ, giải thoát.

 

HỎI

Sư cho con hỏi ở một số nơi nói là: Diệt được 5 triều cái mới chuẩn bị chứng nhập được Sơ thiền, gồm: Tham dục – Sân hận – Hôn trầm – Trạo cử – Nghi. Nếu như thế, theo định nghĩa này, vào được Sơ thiền rất khó, và khi tâm vắng lặng, yên ổn khi ngồi thiền chỉ mới dừng lại ở mức Chánh niệm tỉnh giác mà thôi.

Hai là về thực tập thiền, khi ngồi thấy tâm có chút an ổn, còn không ngồi lại trở về tham sân như cũ. Con hiểu là khi ngồi như vậy, tham sân si tạm an ổn xuống, chứ vẫn còn, chưa diệt trừ được. Như vậy có đúng không?

SƯ NGUYÊN TUỆ ĐÁP

Khi đạt được nhất tâm tức là chỉ nhớ đến tích cực chú tâm ghi nhận cảm giác toàn thân, không nhớ nghĩ đến bất kỳ một chuyện gì khác, lúc đó sẽ có sự chú tâm liên tục cảm giác toàn thân, từ cảm giác này sang cảm giác khác thì đã vào định hoặc sơ thiền, nhị thiền hay tam thiền… Lúc đó sẽ kinh nghiệm được tâm VẮNG LẶNG không có tham sân si, chính là không có 5 triền cái: tham dục (tham), sân hận (sân), hôn trầm, trạo cử, nghi (si). Chính chú tâm liên tục phát sinh trạng thái định sơ, nhị, tam tứ thiền NHIẾP PHỤC Năm triền cái. Mục đích kết quả của Chánh định là NHIẾP PHỤC Năm triền cái, tức là nhiếp phục tham sân si, nhiếp phục Khổ. Không phải như kinh điển hiểu sai là đoạn trừ 5 triền cái, đoạn trừ tham sân si rồi mới chứng sơ thiền. Nếu đoạn trừ được 5 triền cái, đoạn trừ được tham sân si là chứng ngộ khổ diệt (Diệt đế) rồi, đạt đến mục đích tối hậu là CHẤM DỨT KHỔ rồi.

Tu tập Định gồm sơ thiền nhị thiền… mục đích và kết quả là Nhiếp Phục tham sân si, Nhiếp Phục Nguyên nhân Khổ, Nhiếp Phục Khổ chứ chưa thể đoạn tận khổ. Tu tập Tuệ mới đưa đến xoá bỏ Vô minh, chấp ngã trong bộ nhớ mới đưa đến ĐOẠN TẬN vô minh chấp ngã, ĐOẠN TẬN bát tà đạo, ĐOẠN TẬN tham sân si, ĐOẠN TẬN khổ.

Trả lời