Ý CHỈ BÀI KINH PHÁP MÔN CĂN BẢN

Mở đầu Kinh Trung Bộ là bài kinh có tựa đề Pháp Môn Căn Bản, nhưng tựa đề đó là theo Tiếng Tàu, còn theo ngữ pháp Tiếng Việt thì phải dịch là Căn Bản Pháp Môn thì mới rõ nghĩa của bài kinh. Pháp môn phải được hiểu là những Môn Học về Giáo Pháp mà Đức Phật đã chứng ngộ và giảng dạy.

Ví như Pháp mà Đức Phật đã chứng ngộ và thuyết giảng là Tứ Thánh Đế và trong Tứ Thánh Đế lại gồm 4 pháp là Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế. Khi Ngài giảng về Tứ Thánh Đế thì đó là một Môn Học nên gọi là một Pháp môn, giảng về Khổ đế là một môn học nên cũng gọi là pháp môn, Tập đế, Diệt đế, Đạo đế cũng là các Pháp môn.

Rồi trong Tứ Thánh Đế còn có môn học về Duyên khởi, môn học về vô thường, vô ngã, môn học về Bát Tà Đạo, môn học về Bát Chánh Đạo … vv. Tương tự như vậy, Giáo Pháp mà Đức Phật giảng dạy là các môn học có thể là dạng tổng quát, có thể là dạng thành phần tỉ mỷ với các đề tài khác nhau nên có rất nhiều môn học mà ngôn ngữ Ấn Độ thường cho con số rất nhiều pháp môn đó vào con số tượng trưng là tám vạn bốn ngàn pháp môn.

Vậy thì nghĩa của tựa đề Căn Bản Pháp Môn là gì ? Chữ Căn Bản trong Tiếng Tàu là CỐT LÕI, là phần quan trọng nhất nên Căn Bản Pháp Môn là bài kinh chỉ rõ cái CỐT LÕI, cái quan trọng nhất trong toàn bộ Giáo Pháp hay trong toàn bộ các Môn Học ( Pháp Môn ) về Giáo Pháp mà Đức Thế Tôn đã chứng ngộ và thuyết giảng. Bài kinh này có hai chủ đề chính:

A – Một là : Mục đích của thực hành Giáo Pháp là để thay đổi Thấy và Biết :

Trong bài kinh này mô tả Tâm Thấy và Tâm Biết của bốn hạng người gồm : Phàm phu, Hữu học, A là hán và Như Lai. Trong đó Tâm Thấy là gọi tắt của Thấy, Nghe, Cảm nhận các đối tượng thực tại ( gồm Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức và Tưởng thức ) có phận sự ghi nhận hay nhận biết trực tiếp đối tượng và Tâm Biết là Ý thức có phận sự biết đối tượng được ghi nhận đó là cái gì, tính chất ra sao.

– Đối với Phàm phu : Thấy là Tưởng tri và Biết là Không liễu tri ( biết của Ý thức là không đúng sự thật, là Tà kiến ). Gọi tâm thấy là Tưởng tri vì tâm thấy và tâm biết khởi lên nối tiếp nhau, không tách rời tâm thấy ra khỏi tâm biết được.

– Đối với Hữu học ( đang tu học, đang thực hành Bát Chánh Đạo : Thấy của vị đó là Thắng tri, nghĩa là dừng lại tâm thấy mà tâm biết đối tượng là cái gì, tính chất ra sao không khởi lên. Lúc này chỉ có tâm biết trực tiếp ghi nhận đối tượng mà thôi nên gọi là Tĩnh Giác. Tâm Biết của vị đó chưa thành tựu rốt ráo Hiểu Biết Đúng Sự Thật đối tượng ( chưa thành tựu rốt ráo Chánh Kiến ) nên tâm biết ấy là Có thể Liễu tri.

– Đối với bậc A là hán và Như Lai ( đã tu học xong, không còn phải tu học nữa nên gọi là Vô học ) : Thấy là Thắng tri hay Tĩnh Giác và Biết là Đã Liêu tri tức Chánh Kiến, Hiểu biết Đúng Sự thật đối tượng đã thành tựu rốt ráo.

Sự trình bày Thấy và Biết của 4 hạng người như vậy nhằm chỉ rõ một sự thật : Tu Học theo Giáo Pháp mà Đức Thế Tôn đã chứng ngộ và thuyết giảng là để thay đổi Thấy và Biết. Cụ thể là thay đổi TÂM THẤY từ TƯỞNG TRI của Phàm phu thành THẮNG TRI hay TĨNH GIÁC của bậc Thánh và TÂM BIẾT ( Ý thức ) từ TÀ KIẾN ( Không Liễu tri ) của Phàm phu thành CHÁNH KIẾN ( Liễu tri ) của bậc Thánh. Vậy thì Căn Bản của sự tu học là để Giác ngộ, để Chứng ngộ, để Thân chứng Tâm Thấy TĨNH GIÁC và Tâm Biết Ý thức CHÁNH KIẾN.

1 – CHỨNG NGỘ TỈNH GIÁC:

Chứng ngộ Tâm Thấy ( Nghe, Cảm Nhận ) Tĩnh Giác. Nhờ Chánh Niệm về thân, Tiếng Việt là nhờ Trí Nhớ Chánh về Thân, tức nhờ Nhớ đến : Tích cực chú tâm ghi nhận các đối tượng xuất hiện nơi thân mà sẽ có Chánh Niệm – Chánh Tinh Tấn – Chánh Định ( Trí nhớ Chánh – Tích cực Chánh – Chú tâm Chánh ) thì lộ trình tâm sẽ dừng lại đó và lúc này chỉ có tâm biết trực tiếp giác quan Thân thức ghi nhận các đối tượng (xúc chạm nơi thân ), Nhãn thức ghi nhận đối tượng( hình ảnh ), Nhĩ thức ghi nhận đối tượng (âm thanh ), Tỷ thức ghi nhận đối tượng ( mùi ), Thiệt thức ghi nhận đối tượng ( vị ), Tưởng thức ghi nhận đối tượng ( pháp trần ).

Trạng thái tâm chỉ có tâm biết trực tiếp ghi nhận đối tượng như vậy gọi là TĨNH GIÁC. Khi an trú tâm biết trực tiếp gọi là Tĩnh Giác như vậy, sống với tâm biết Tĩnh giác như vậy, mới có thể Tuệ tri tâm biết Tĩnh giác : Không Khái niệm, Không ngôn từ, Không Phân biệt ( Vô niệm, Vô ngôn, Vô phân biệt ).

Khi an trú Tĩnh Giác mới thân chứng, mới tự thấy, tự biết chỉ có tâm biết trực tiếp ghi nhận đối tượng mà không có bất kỳ ngôn từ, khái niệm nào khởi lên với đối tượng đó. Khái niệm thuộc tâm biết ý thức cho nên khái niệm cũng gọi là ý niệm và khi an trú Tĩnh Giác thì không khởi lên ý niệm ( về đối tượng đó) to hay nhỏ, vuông hay tròn, dài hay ngắn, đẹp hay xấu, thiện hay ác, sang hay hèn, vinh hay nhục, sống hay chết… đặc biệt là không có ý niệm không gian, thời gian.

Khi an trú Tĩnh giác không những Tuệ tri Tĩnh giác “vô niệm, vô ngôn, vô phân biệt” mà còn Tuệ tri, lúc đó Không Tham Sân Si, Không Dính mắc, Không Ràng buộc, Không Phiền não với đối tượng. Tuệ tri Không như vậy là Tuệ tri Giải thoát và Giải thoát đó gọi là Tâm giải thoát hay Không giải thoát ( hay Không tánh giải thoát ).

Vậy Tuệ tri Tĩnh Giác cũng đồng nghĩa với Tuệ tri Tâm Không Tánh và Tâm Giải Thoát mà nói tắt là chứng ngộ Tánh Không, chứng ngộ Giải Thoát. Nhưng phải lưu ý Tánh Không là tánh chất của Tâm biết trực tiếp giác quan, gọi tắt là Trực giác chứ không phải là Tánh Không của thế giới, của vũ trụ như cách hiểu của các trường phái Phật giáo phát triển về sau.

Trong các khái niệm thì có khái niệm thời gian là cái mà người tu học phải thân chứng trước tiên và nếu đã thân chứng được vô niệm thời gian ( không có ý niệm thời gian ) thì các khái niệm còn lại sẽ thân chứng rất dễ dàng. Trước tiên phải Tuệ tri khái niệm hay ý niệm thời gian trong đời sống của người không thực hành Bát Chánh Đạo.

Phải quan sát được ý niệm thời gian khởi lên như thế nào. Ví như khi thấy hình ảnh mặt trời thì khởi lên ý niệm buổi sáng, trưa hay tối; khi thấy kim đồng hồ chỉ số 9 thì khởi lên ý niệm đã 9 giờ ; khi làm một việc thì nghĩ đến đã sắp xong hay còn mấy giờ nữa mới xong hay bao giờ thì xong …vv .

Đó là ý niệm thời gian đã khởi lên. Con người sống với ý niệm thời gian, dự định mọi việc theo thời gian, sống bởi lạc quan, hy vọng là có ý niệm thời gian … Khi ý niệm thời gian có mặt, nó là tư tưởng Tà kiến trên lộ trình tâm Bát Tà Đạo thì con người bị trói buộc với thời gian và lúc đó là chờ đợi, hy vọng, bất an, lo lắng, phiền não sẽ khởi lên.

Hãy tuệ tri sự thật này khi không tu tập Bát Chánh Đạo, khi có ý niệm thời gian thì Phiền não sẽ có mặt. Khi tu tập Bát Chánh Đạo với Chánh niệm về thân thì khi thấy hình ảnh mặt trời chỉ có ghi nhận đối tượng không khởi lên buổi sáng hay trưa chiều, khi thấy kim đồng hồ chỉ con số 9, không có khởi lên 9 giờ … thì lúc đó không có khái niệm thời gian, lúc đó là vô niệm ( thời gian ).

Nếu trong một giờ tọa thiền, thiền hành, hay làm việc … có Chánh niệm liên tục, không bị phân tâm, không hề có ý niệm thời gian khởi lên thì khoảng thời gian đó là vô niệm, lúc đó sẽ biết rõ có sự an trú vững chắc trong hiện tai bây giờ và ở đây, không bị trôi dạt vào quá khứ hay tương lai, lúc đó sẽ tuệ tri Tánh không và Giải thoát.

Điều này chỉ người thực hành đúng mới thân chứng được. Nếu giả sử có một ý niệm thời gian khởi lên thì Chánh kiến sẽ xuất hiện và ý niệm thời gian chấm dứt và tiếp tục an trú vô niệm ( đối với người đã tương đối thuần thục ).

Nhưng tu tập Bát Chánh Đạo không phải chỉ thân chứng Tĩnh giác vô niệm, vô ngôn, vô phân biệt mà còn phải thân chứng tâm biết ý thức Chánh Kiến có khái niệm, có ngôn từ, có phân biệt nhưng Không Tham Sân Si, Không Dính mắc, Không Ràng buộc, Không Phiền não.

2 – CHỨNG NGỘ CHÁNH KIẾN :

Với Chánh niệm về Thọ, về Tâm, về Pháp sẽ có 5 chi phần của Bát Chánh Đạo khởi lên gồm : Chánh niệm – Chánh Tinh tấn – Chánh định – Chánh Tư duy – Chánh kiến ( Trí nhớ Chánh – Tích cực Chánh – Chú tâm Chánh – Tư duy Chánh – Hiểu biết Chánh ). Và Chánh kiến ( Hiểu biết Chánh ) sẽ tuệ tri, sẽ hiểu biết đúng sự thật các đối tượng thực tại được ghi nhận gọi là Liễu tri các pháp.

Có thể nói một cách tóm tắt sự chứng ngộ Chánh Kiến là: Sau khi Thấy, Nghe, Cảm nhận đối tượng thực tại thì Chánh kiến khởi lên, Biết Đúng Sự Thật ( Tuệ Tri ) các đối tượng đó là Cảm thọ, do Căn Trần tiếp xúc mà phát sanh, nó vô thường, vô ngã ( vô chủ, vô sở hữu ), có Vị ngọt, sự Nguy hiểm và sự Xuất ly. Như Đức Phật đã giác ngộ: Này các Tỷ kheo, Như Lai nhờ tuệ tri sự sinh diệt của Thọ, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của Thọ mà Như Lai được giải thoát hoàn toàn không còn chấp thủ.

Không những chứng ngộ Chánh kiến ( chứng ngộ Trí tuệ ) mà còn chứng ngộ Chánh kiến sẽ Không Tham Sân Si, Không Dính mắc, Không Ràng buộc, Không Phiền não. Đó là chứng ngộ Giải thoát và Giải thoát này gọi là Tuệ giải thoát hay Vô tướng giải thoát. Tâm biết ý thức Chánh kiến cũng còn gọi là Tâm Vô Tướng ( Tâm Không Tướng ) nên giải thoát do Tâm Vô Tướng khởi lên như vậy gọi là Vô Tướng Giải Thoát. Chứng ngô Chánh Kiến phải theo lộ trình Văn – Tư – Tu.

B – Hai là : Dục Hỷ là Nguyên nhân Khổ, Chấm dứt Dục hỷ là Chấm dứt Khổ :

Khi trình bày Thấy và Biết của Phàm phu với các đối tượng Đức Phật đều kết luận : Do Biết của Phàm phu là Không Liễu tri đối tượng ( Biết đó là Vô minh, Tà kiến ) làm phát sinh Dục hỷ ( Tham muốn Hạnh phúc ) và Dục hỷ là Nguyên nhân Khổ. Đây là cốt lõi của Khổ đế và Tập đế.

Khi thay đổi được Thấy và Biết của Phàm phu từ Tưởng tri và Tà kiến ( Không Liễu tri ) sang thành Thấy và Biết của bậc Thánh là Tĩnh Giác ( Thắng tri ) và Chánh Kiến ( Liễu tri) thì chấm dứt Dục hỷ, chấm dứt Nguyên nhân Khổ, chấm dứt Khổ. Đây là cốt lõi của Diệt đế và Đạo đế.

Và cuối cùng thì cốt lõi hay căn bản pháp môn là Tứ Thánh Đế, Bốn Sự Thật mà bậc Thánh đã giác ngộ.

Đại Đức Nguyên Tuệ, 23/11/2019.

Trả lời