BÁT CHÁNH ĐẠO – LÝ DUYÊN KHỞI

Chương 2
Định Lý Duyên Khởi

1./ Sự thực hiện tại

Pháp mà Đức Thế Tôn khéo thuyết giảng trong các đặc tính có một tính chất là “Đến để mà thấy”. Đến để mà thấy là thấy sự thật hiện tiền nơi đời sống hằng ngày của mỗi người, chứ không phải ở một thế giới tâm linh, một cõi siêu hình nào đó. Đến để mà thấy là thấy một cách trực tiếp, không phải cái thấy nhị nguyên có chủ thể và đối tượng, nói nôm na là mắt thấy, tai nghe.

Đức Phật đã diễn tả cái thấy này trong Tăng Chi Bộ Kinh, phẩm 24, chương Bốn Pháp, Kālaka: “Như vậy, này các Tỷ Kheo, Như Lai là vị đã thấy những gì cần thấy, không có tưởng tượng điều đã được thấy (không có dựng đứng lên), không có tưởng tượng những gì không được thấy, không có tưởng tượng những gì cần phải thấy, không có tưởng tượng đối với người thấy”, vì vậy những gì Đức Phật thuyết giảng là sự thật mắt thấy tai nghe, sự thật về cuộc sống hằng ngày, ngay bây giờ và tại đây chứ không phải ở một cõi trời nào đó.

Những gì Ngài nói đến đều là nghĩa đen chứ không phải ẩn dụ hay nói bóng gió. Dĩ nhiên Ngài phải dùng ngôn từ và ý niệm là phương tiện truyền thông duy nhất và người nghe phải xuyên qua ngôn từ và ý niệm để tự thấy, tự biết sự thật mà Ngài đã chỉ bày.

2./ Nội dung chữ pháp

Trong Phật học có một thuật ngữ dịch từ chữ phạn sang tiếng Hán Việt là pháp, nếu theo nghĩa tiếng Việt thì các sự vật và hiện tượng gọi là pháp, những hiện tượng và sự vật thuộc về vật chất được gọi là sắc pháp, những sự vật và hiện tượng thuộc về tinh thần được gọi là danh pháp. Các sắc pháp được phân biệt bởi các đặc tính, kích thước, hình dạng, màu sắc, khối lượng, các tính chất vật lý, hóa học v.v… Các danh pháp như ý thức, nhãn thức, yêu, ghét, nỗ lực, cố gắng, mong muốn, buồn nản… bởi chức năng của nó

Các pháp bao gồm danh pháp và sắc pháp phát sinh như thế nào? Thông thường có hai quan điểm mà Đức Phật gọi là có (thường kiến) và không có (đoạn kiến). Quan điểm thứ nhất cho rằng nguồn gốc các pháp là vật chất, vì vậy các pháp không tự sinh ra cũng không tự mất đi mà chỉ biến đổi từ pháp này sang pháp khác, ví dụ như nước biến đổi thành hơi nước, hơi nước thành mây, mây biến thành nước mưa trở lại v.v… cho dù các pháp biến đổi như thế nào thì nền tảng của nó vẫn là vật chất luôn tồn tại, thường trú, không mất đi, không sinh ra. 

Quan điểm thứ hai cho rằng các pháp là không có mà do một Thượng đế, một Đại ngã, một Chân tâm, tóm lại là do một “Năng lực tinh thần” biến hiện ra.

Đức Phật không chấp nhận hai quan điểm trên, và Ngài cũng không chủ trương truy tìm nguồn gốc thế giới, mà cách thức của Ngài là quán sát các pháp trong hiện tại để thấy như thật sự sinh diệt của sự vật và hiện tượng.

3./ Sự phát sinh các sắc pháp theo lộ trình nhân quả

Quán sát các sự vật và hiện tượng trong thực tại là quán sát lộ trình Nhân – Quả (nguyên nhân – kết quả). Có những pháp thuộc về nguyên nhân, có những pháp thuộc về kết quả. Ví dụ trống và dùi tiếp xúc với nhau là nguyên nhân và tiếng trống là kết quả. Bánh xe của bật lửa và viên đá lửa tiếp xúc với nhau là nhân và ánh lửa phát sinh là quả, oxy và hydro tiếp xúc với nhau là nhân và nước là kết quả; lửa, củi, oxy tiếp xúc với nhau là nhân và phát sinh sự cháy, sức nóng, khói, tro than là quả.

Các pháp (các quả) phát sinh do nguyên nhân gì – do nhiều pháp (tối thiểu là hai pháp) tiếp xúc với nhau mà phát sinh. Có thể diễn tả điều này với một từ khác là duyên, cụ thể là các pháp (quả) phát sinh do duyên xúc (nhân). Các pháp do duyên xúc mà phát sinh nên còn gọi là các pháp duyên khởi.

Các pháp phát sinh do duyên xúc, trước tiên phải được hiểu là các pháp phát sinh do nguyên nhân: nhiều pháp tối thiểu là hai pháp tiếp xúc với nhau. Chữ xúc đã bao hàm ý nghĩa là tối thiểu có hai pháp, chứ không thể có một pháp mà xảy ra sự tiếp xúc được. Lộ trình Nhân – Quả là lộ trình diễn biến theo thời gian nên nhân và quả không thể tồn tại đồng thời, nghĩa là nhân trước, quả sau và dĩ nhiên lộ trình xảy ra theo thời gian là nhân diệt – quả sinh.

Tóm lại, có thể thấy lộ trình nhân quả như sau: nhiều nhân tiếp xúc với nhau cùng diệt mà phát sinh một hay nhiều quả. 
Ví dụ như trống và dùi tiếp xúc với nhau cùng diệt (trống cũ và dùi cũ diệt) và phát sinh tiếng trống cùng dùi mới và trống mới.

Bánh xe và viên đá lửa trong bật lửa tiếp xúc với nhau cùng diệt (bánh xe cũ và viên đá cũ diệt) và phát sinh ánh lửa cùng viên đá lửa mới và bánh xe mới. 

Oxy và hydro tiếp xúc với nhau cùng diệt và phát sinh nước.

Cho bột màu đỏ vào (tiếp xúc) chậu nước trong, cả hai cùng diệt mà phát sinh chậu nước màu đỏ.

Hạt lúa, khí hậu, độ ẩm thích hợp tiếp xúc với nhau cùng diệt mà phát sinh ra cây mạ.

Nhà máy sản xuất ô tô, nguyên vật liệu, người điều khiển dây chuyền, các nhân này tiếp xúc với nhau và cùng diệt; [nhà máy cũ diệt (hao mòn), nguyên vật liệu diệt, người điều khiển diệt], phát sinh nhà máy mới, vật liệu mới (xe ô tô), con người mới (con người buổi chiều không phải con người buổi sáng).

Đến lượt các pháp mới phát sinh là quả này lại đóng vai trò là nhân, tiếp xúc với nhiều nhân khác cùng diệt và lại phát sinh một hay nhiều quả khác.

4./ Tính vô thường và vô ngã của các pháp: 

* Các sắc pháp đang sinh và diệt là do duyên xúc (nguyên nhân là xúc), trước khi sinh ra nó không ở một chỗ nào cả (không ở trong một nhân nào), khi diệt đi cũng không trở về chỗ nào cả. Không có một nền tảng, một nơi chốn nào để thường trú, tính chất này của các pháp gọi là vô thường.

Mối quan hệ của các pháp nếu quán sát theo thời gian thì nhân và quả hoàn toàn độc lập, không có quan hệ phụ thuộc, không có quan hệ sở hữu, không quan hệ chủ tớ, vì nhân và quả ở hai thời điểm khác nhau, nhân diệt rồi quả mới sinh. Nếu quán sát theo không gian thì quan hệ giữa các nhân (hoặc các quả) chỉ là quan hệ tiếp xúc với nhau rồi cùng diệt, các nhân đều bình đẳng, không có nhân nào là chính, không có nhân nào là phụ, nên quan hệ giữa chúng độc lập, không phụ thuộc lẫn nhau, không có quan hệ sở hữu.

* Vì vậy, mỗi một sắc pháp quan hệ với các sắc pháp khác là độc lập, không phụ thuộc, không có sở hữu, không có pháp nào là chủ nhân của sắc pháp đó. Tính chất này của các pháp gọi là vô ngã.

5./ Quán sát lý duyên khởi thô và tế

Lộ trình duyên khởi phải được quán sát theo công thức: nhiều nhân tiếp xúc với nhau rồi cùng diệt mà phát sinh ra quả.Lộ trình này có thể quán sát thô hay tế. Có hai cách quán sát thô hay tế theo thời gian hoặc không gian.

a/ Theo không gian: nếu quan sát theo tổng thể là thô, quan sát theo từng bộ phận hay chi tiết là tế. Ví dụ, nhà máy sản xuất ô tô, nguyên vật liệu, người điều khiển là ba nhân tiếp xúc với nhau rồi cùng diệt mà phát sinh ra những chiếc xe ô tô, nhà máy mới, đống nguyên vật liệu mới (hay phế liệu), những người điều khiển mới, đây là quan sát theo tổng thể gọi là thô. Trong tổng thể nhà máy này có rất nhiều lộ trình nhân quả, thí dụ như sơn xe: sơn được phun ra tiếp xúc với vỏ ngoài xe là nhân thứ hai rồi cùng diệt mà phát sinh ra nhiều quả trong đó có vỏ ngoài của xe mới. Lộ trình này tế hơn.

b/ Theo thời gian: nếu quán sát trong thời gian dài là thô, nếu quán sát trong thời gian ngắn là tế. Thí dụ: một cây cam có màu sắc, kích thước, đặc điểm, tính chất như vậy là một nhân, tiếp xúc với nhiều nhân khác như đất, nước, không khí, thời tiết v.v… sau một năm quan sát lại thì cây cam cũ cùng với các nhân đất, nước, không khí, thời tiết cũ đã diệt và phát sinh một cây cam mới. Nếu quan sát trong khoảng thời gian một tháng, một ngày, một giờ hay một khoảnh khắc ngắn ngủi thì sự việc cũng diễn ra như vậy. Nếu quan sát một cách vi tế thì thân thể con người, một sắc pháp như vậy cũng đang sinh và diệt nhanh chóng trong khoảng thời gian vô cùng ngắn.

6./ Thấy biết đúng sự thật hay tuệ tri

a./ Quy luật Duyên khởi: Tuệ tri duyên khởi là thấy biết như thật duyên khởi, thấy biết như vậy gọi là Minh, là Trí tuệ. Cụ thể là nhiều nhân (tối thiểu là hai nhân) tiếp xúc với nhau rồi cùng diệt mà phát sinh một hay nhiều quả.Quả này lại tiếp tục đóng vai trò là nhân tiếp xúc với nhiều nhân khác rồi cùng diệt mà phát sinh quả mới. Các nhân này đều bình đẳng, không có nhân nào là chính, không có nhân nào là phụ.

b./ Pháp do Duyên khởi: Tuệ tri duyên khởi cũng là tuệ tri các pháp duyên khởi. Các pháp này đều có tính chất vô thường, nghĩa là trước khi sinh không ở đâu và khi diệt cũng không về đâu (không có một nền tảng, một nơi chốn nào thường hằng, thường trú cả). Các pháp này cũng có tính chất là vô ngã, nghĩa là nó độc lập, không lệ thuộc, không phụ thuộc lẫn nhau, không có một pháp nào là chủ nhân của nó, nó không bị sở hữu cũng không sở hữu.
Các danh pháp, tức những pháp thuộc tinh thần hay tâm cùng phát sinh do duyên xúc, nghĩa là sáu căn và sáu trần tiếp xúc với nhau mà phát sinh tất cả các danh pháp.

7./ Không thấy biết như thật hay không tuệ tri

a./ Thường Kiến: Không tuệ tri duyên khởi là thấy biết không như thật duyên khởi, thấy biết đó gọi là Vô minh hay Vọng tưởng, cụ thể là chỉ thấy một nhân sinh quả, hay một nhân chính biến đổi thành quả, còn các nhân khác phụ trợ cho nhân chính biến thành quả, hoặc một nhân biến thành quả và có các duyên trợ giúp.

Ví dụ, khi quan sát một cành cây lay động do gió thổi, ý thức nhị nguyên khởi lên “gió là nhân, sự lay động là quả”. Cái thấy một nhân sinh quả này đưa đến hiểu biết: gió là chủ thể làm cây (đối tượng) lay động. Quan hệ giữa gió và cây là quan hệ phụ thuộc, quan hệ giữa gió và sự lay động là quan hệ phụ thuộc, do vậy không thấy được tính vô thường vô ngã của sự lay động.

Phải quán sát đúng sự thật là: gió là một nhân và cây là một nhân tiếp xúc với nhau. Do có sự tiếp xúc giữa hai nhân này mà phát sinh sự lay động. Hai nhân này bình đẳng, không phụ thuộc, không có nhân nào chính nhân nào phụ; hai nhân này tiếp xúc với nhau rồi cùng diệt mà phát sinh sự lay động. Sự lay động này trước khi sinh không ở trong cây, không ở trong gió, không ở đâu cả; khi diệt đi nó cũng không về trú ở đâu cả. vì vậy nó vô thường. Sự lay động cũng không phải là của cây cũng không phải của gió (nhân diệt quả mới sanh). Nó độc lập nên nó là vô ngã.

Các thí dụ khác như: khi nghe tiếng trống liền khởi lên hiểu biết là tiếng trống do cái trống phát ra, cây mạ do hạt thóc sinh ra, quả mít phát sinh từ cây mít, vị ngon hay dở là nằm trong thức ăn, vị ngọt nằm trong đường là của đường, vị mặn nằm trong muối là của muối. Cái thấy này đưa đến hiểu biết là nhân nằm trong quả, quả ở trong nhân; quan hệ giữa các pháp là quan hệ phụ thuộc, quan hệ chủ tớ, pháp này là chủ nhân của pháp kia. Với nhận thức này các pháp không còn vô thường sinh diệt và vô ngã nữa mà các pháp liên kết phụ thuộc lẫn nhau, tương tác, tương nhập, trùng trùng vô tận và đương nhiên là không thể sinh, không thể diệt (không sinh không diệt). Cái thấy này gọi là Thường kiến và đương nhiên là chấp ngã.

b./ Đoạn Kiến: Không tuệ tri duyên khởi đưa đến một kiểu nhận thức thứ hai là các pháp không do duyên khởi mà do Thượng đế, Đại ngã, chân tâm v.v… được hiểu như một “năng lực tinh thần, tuyệt đối, siêu nhiên” biến hiện ra. Đối với quan niệm này các pháp là giả, không có thật. Đây là cái thấy Đoạn kiến và đương nhiên là chấp ngã, chấp cái Ta đại ngã là năng lực tinh thần tuyệt đối siêu nhiên đó.

Đại Đức Nguyên Tuệ

Để lại một bình luận